CBCĐ tỉnh Hưng Yên luôn chủ động đến với CNLĐ. Ảnh: Bắc Việt
Chủ động tiếp cận vụ việc
Nói về việc chủ động tiếp cận để “gỡ rối” giúp CNLĐ, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh – nhớ lại: Tháng 1.2014, CN của Cty TNHH Linotex và Cty TNHH Doo Sung tổ chức ngừng việc tập thể để phản đối DN trong việc thực hiện chế độ lương, thưởng với NLĐ. Đây là hai DN đều chưa có tổ chức CĐ nên CN không biết bấu víu vào đâu để kêu cứu.
Nắm được thông tin, CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng cử 2 cán bộ xuống tận nơi tìm hiểu tình hình. Vừa tiếp xúc với CN, vừa làm việc với lãnh đạo DN để nghe cả “hai tai”, hiểu rõ vụ việc một cách thực sự khách quan để có hướng giải quyết thỏa đáng.
Kết quả, những yêu cầu của CNLĐ được CBCĐ tiếp nhận đầy đủ và sau khi có sự bàn bạc, thống nhất với chủ sử dụng LĐ, CĐ đã thành công trong việc đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng về lương, thưởng cho NLĐ.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Chính vì DN chưa có tổ chức CĐ nên CNLĐ ở những nơi đó phải chịu nhiều thiệt thòi. Do vậy, chúng tôi luôn có sự ưu tiên, quan tâm hơn tới CN ở nơi chưa có CĐ để có biện pháp bảo vệ họ tốt và kịp thời nhất. Bắc Ninh hiện có hàng vạn CNLĐ đang làm việc ở các DN chưa có tổ chức CĐ và chắc chắn họ luôn mong được CĐ bảo vệ”.
Cách làm đó đã tạo lòng tin với CNLĐ và đã tác động đến chủ DN những nơi chưa có CĐ. Chủ DN từ sau vụ ngừng việc tập thể của CN, được CĐ cấp trên vào cuộc vô điều kiện và tham gia giải quyết êm thấm vụ việc, đã tình nguyện xin làm thủ tục thành lập CĐCS.
Đến với công nhân nhiều hơn
Ở tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều DN chưa có tổ chức CĐ và theo ước tính có tới hàng vạn CNLĐ chưa phải là đoàn viên. Thế nhưng, các cấp CĐ trong tỉnh không bỏ rơi những đối tượng này. Dịp cuối năm 2013, vụ ngừng việc tập thể của 200 CNLĐ ở Cty TNHH Minh Đức (KCN Bá Thiện) – DN chưa có tổ chức CĐ – được cả CĐ các KCN tỉnh và một số ban của LĐLĐ tỉnh về tận cơ sở tham gia giải quyết dù chưa nhận được yêu cầu của CNLĐ.
Kết quả, những yêu cầu của NLĐ đưa ra được CĐ tiếp nhận và đưa ra đàm phán với DN, được DN chấp thuận và giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho họ.
Sau vụ việc ở DN này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ tỉnh tới tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ của DN. Ông Đào Mạnh Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ tỉnh – bộc lộ quan điểm, chúng tôi thấy cần thiết phải tăng cường đến với CNLĐ ở những nơi chưa có CĐCS, bởi NLĐ tại những DN đó phải chịu thiệt thòi nhiều hơn, ít được hưởng sự quan tâm, chăm sóc từ phía CĐ.
Thực tế họ còn rất nhiều hạn chế về nhận thức, hiểu biết pháp luật nên luôn khó khăn trong việc tự bảo vệ mình. Cùng với tuyên truyền tới CN, Trung tâm Tư vấn pháp luật còn phối hợp với CĐ các KCN tuyên truyền, vận động chủ DN đồng ý làm thủ tục thành lập CĐCS.
Nguồn LĐO
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/cong-doan-cap-tren-truc-tiep-co-so-phai-chu-dong-bao-ve-nguoi-lao-dong-8849.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này