Xã Kim Sơn là một ví dụ. Mới đây, Trạm thú y thị xã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) tổ chức tập huấn về kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho trên 60 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Kim Sơn.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được cán bộ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội giới thiệu về tình hình chăn nuôi và một số điểm nổi bật trong chăn nuôi lợn tại Hà Nội; tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam; đặc điểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (lịch sử bệnh, dịch tễ, tác nhân gây bệnh, quá trình gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích; lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh); định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi của Hà Nội cũng như một số chính sách liên quan đến hộ chăn nuôi.
![]() |
Người dân xã Kim Sơn chăm sóc cho đàn lợn. Ảnh: Phạm Hảo |
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của chủ chăn nuôi lợn về công tác chăn nuôi an toàn sinh học và công tác phòng chống dịch bệnh bền vững cho đàn lợn nói riêng, các loại gia súc, gia cầm nói chung.
Được biết, hiện toàn xã Kim Sơn hiện có 5 trang trại và 268 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 4.900 con, trong đó có 1.000 con lợn nái và lợn giống, còn lại là lợn thương phẩm. Trước đó, ngày 6/3, UBND thị xã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị xã tới lãnh đạo các phòng, ban liên quan và 15 xã phường.
UBND thị xã yêu cầu các phòng, ban thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền để tránh gây hoang mang lo lắng trong nhân dân; tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển hàng hóa ra vào thị xã và các chợ; tham mưu các văn bản chỉ đạo, hướng xử lý dứt điểm và chính sách hỗ trợ cho người dân kịp thời trong trường hợp có dịch xảy ra; thực hiện báo cáo hàng ngày với thành phố theo quy định.
Lãnh đạo các xã phường ra quyết định thành lập ban chỉ đạo và ban hành đầy đủ các văn bản phòng chống dịch; tăng cường kiểm soát, nắm bắt tình hình, thống kê, tổ chức ký cam kết đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, đảm bảo không giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, vứt lợn chết, lợn ốm ra môi trường; báo ngay với cơ quan cấp trên khi nghi ngờ có đàn lợn mắc bệnh để xử lý theo đúng quy trình. Đồng thời cần tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi an toàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm từ thịt lợn.
Phạm Hảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/tap-huan-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-88336.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này