Chấn chỉnh an toàn giao thông trước cổng trường: Nói mãi vẫn thế

14:45 | 07/03/2019
(LĐTĐ) Cảnh tượng ùn tắc giao thông, lộn xộn trước các cổng trường học đã và đang là vấn đề gây nhiều bức xúc. Đáng nói, tình trạng trên ngày qua ngày đang diễn ra ở khá nhiều trường học. Thực tế cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền, “mô hình” phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan chức năng để phân luồng giao thông mỗi khi đến giờ tan học đã và đang phát huy hiệu quả.
chan chinh an toan giao thong truoc cong truong noi mai van the Hà Nội: Đẩy mạnh xử lý vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh
chan chinh an toan giao thong truoc cong truong noi mai van the Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Nhốn nháo và lộn xộn

Trong tình hình giao thông căng thẳng tại các đô thị lớn như hiện nay, những hình ảnh giao thông lộn xộn trước cổng trường học đã trở nên quen thuộc trong mắt nhiều người. Sự chen lấn, ùn tắc xảy ra trong sự mặc nhiên, diễn ra như một điều tất yếu, dần hình thành nên thói quen trong suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh rằng “tắc ở cổng trường là đương nhiên”.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong nhiều ngày vào giờ tan học tại cổng các trường học như: Trường tiểu học Trung Yên, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông)… thời điểm giờ tan trường, tình trạng giao thông ở những khu vực này diễn ra lộn xộn. Dù chưa đến giờ tan học nhưng nhiều phụ huynh đã có mặt từ sớm, đứng bên hàng rào, ngoài trường để đón con, ô tô và xe máy chen lấn nhau tìm chỗ đỗ xe. Phụ huynh đưa con đến trường vô tư dừng đỗ vô tội vạ. Đáng nói, nhiều cá nhân còn không đội mũ bảo hiểm cho con.

chan chinh an toan giao thong truoc cong truong noi mai van the
Tại Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh được chú trọng, nhờ vậy giảm thiểu tối đa các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Luyện Đinh

Tình trạng học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Liên quan đến tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, cũng có thể dễ dàng bắt gặp tại trục đường 21B, đoạn qua phố Xốm. Tại khu vực này, nhiều học sinh đi đến trường bằng xe máy, xe đạp điện thậm chí nhiều em không đội mũ bảo hiểm hoặc có mũ nhưng chỉ treo trên xe mà không sử dụng. Sự mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường ở những khu vực kể trên đã trực tiếp khiến không ít phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và người tham gia giao thông cảm thấy bất an.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức, văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế. Dễ thấy nhất là cảnh người đỗ dọc xe, người dựng ngang xe rất phản cảm. Lòng đường bỗng dưng bị chật cứng bởi lượng người và xe. Vỉa hè rộng cũng được các phụ huynh “trưng dụng” làm nơi đỗ xe chờ đón con. Ở góc độ nhìn nhận khác, theo nhiều phụ huynh, sở dĩ có hiện tượng ùn tắc trước trường học vào những giờ tan trường là do quỹ đất vỉa hè dành cho các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm, nhiều phụ huynh phải đứng dưới lề đường.

Những mô hình hay cần nhân rộng

Thực tế cho thấy, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, không ít trường đã bố trí giờ học, giờ tan cho phù hợp. Tại những đơn vị này, trường chủ động phối hợp kế hoạch căn chỉnh giờ tan học so le cách nhau 10 - 15 phút giữa các khối lớp để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm. Nhờ vậy đã trực tiếp giảm lưu lượng các xe gắn máy tập trung trước cổng trường gây ùn tắc giao thông. Những phụ huynh đưa đón con bằng ô tô nên đỗ xe ở khu vực cách xa cổng trường thay bằng việc đỗ trên lề đường sát cổng trường gây ùn tắc.

Liên quan đến vấn đề chống ùn tắc trước khu vực trường học các ngành chức năng trên địa bàn Hà Nội đã vào cuộc hết sức tích cực. Cụ thể, cách đây ít lâu Thường trực Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GD&ĐT phải xây dựng kế hoạch phối hợp với sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học.

Sở chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, trường học tăng cường công tác phối hợp công an phường, xã, thị trấn trong việc lập phương án tổ chức phân luồng giao thông, tổ chức lại giao thông hợp lý không để ùn tắc giao thông trước cổng trường học vào giờ cao điểm. Phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm cho từng địa phương, nhà trường trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các trường học trên địa bàn lập phương án cụ thể.

Chấp hành việc điều chỉnh giờ học, giờ tan lớp cho từng khối, tùy theo điều kiện có thể mở thêm cổng ra vào, cho phép phương tiện của phụ huynh vào sân trường đón học sinh… nhằm hạn chế cùng thời điểm đưa, đón học sinh. Tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh về việc tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông…

Riêng các trường học có sân rộng, nhà trường đều ưu tiên mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh. Đơn cử tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông), nhà trường bố trí lịch học của các khối lớp cân đối (hai khối lớp học buổi sáng, hai khối lớp học buổi chiều) do đó cổng trường ít khi xảy ra tình trạng ùn tắc kẹt cứng. Hay như trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai con phố khác nhau, giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một phố.

Cùng đó, nhà trường phối hợp với địa phương giải tỏa các hàng, quán lấn chiếm vỉa hè gần cổng trường góp phần giảm ách tắc. Một số trường không có sân rộng để bố trí “nhà chờ” cho phụ huynh nhưng lại có sáng kiến khác như cho các cháu xếp hàng để phụ huynh thuận tiện đón con. Đặc biệt, một số trường có điều kiện đã tổ chức xe đưa đón học sinh như trường Đoàn Thị Điểm, trường Lômônôxốp,... vừa giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông vừa thuận tiện, an toàn cho phụ huynh và học sinh.

Một cách làm hiệu quả khác đó là chính quyền địa phương phối hợp với trường học để bố trí phân luồn, làn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây là một ví dụ. Theo ông Khuất Đôn Quân – Phó Chủ tịch UBND phường, Quốc lộ 21A, đoạn qua cổng trường Tiểu học Trung Sơn Trầm khá hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà, lượng phương tiện qua lại lớn, chạy tốc độ nhanh, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với các cháu học sinh là rất lớn.

Năm 2011, Đảng ủy, UBND phường Trung Sơn Trầm kết hợp với trường đã họp bàn biện pháp giải quyết và thống nhất cử lực lượng thường trực tại cổng trường để đưa đón các cháu qua đường mỗi ngày. “Đầu và cuối mỗi buổi học, lực lượng duy trì an toàn trật tự này đều xuống khu vực trường học. Bởi trường Tiểu học có hơn 1.000 học sinh, tan học sẽ rất đông. Một bộ phận có phụ huynh đón còn một bộ phận thì không. Do đó nếu không có lực lượng bố trí thì sẽ rất nguy hiểm vì đây là trục đường quốc lộ” - ông Khuất Đôn Quân chia sẻ.

Rõ ràng, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học rất cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tìm phương án bố trí địa điểm chờ cho phụ huynh, phân luồng giao thông, sắp xếp giờ học sao cho phù hợp với đặc điểm địa bàn, bảo đảm tốt nhất tình hình giao thông.

Thành phố cũng nên có chế tài xử lý đối với những phụ huynh học sinh cố tình vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; quy trách nhiệm đối với các trường học, địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc đề ra các phương án và bố trí lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường. Về lâu dài, đối với việc phát triển mạng lưới trường học, thành phố không chỉ chú ý đến số lượng trường, lớp, mà còn phải bảo đảm về chất lượng cơ sở hạ tầng, trong đó yếu tố hàng đầu là không gian trong trường để vừa phục vụ cho các sinh hoạt học tập, vui chơi, vừa tạo điều kiện cho phụ huynh có địa điểm chờ đón con.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này