Thị xã Sơn Tây: Hiệu quả từ mô hình nuôi ong mật

14:47 | 07/03/2019
(LĐTĐ) Những năm gần đây, cùng với hỗ trợ của Thành phố và chính quyền địa phương, nghề nuôi ong lấy mật tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đã có nhiều chuyển đổi trong hình thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm ổn định và cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân.
thi xa son tay hieu qua tu mo hinh nuoi ong mat Sơn Tây phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%
thi xa son tay hieu qua tu mo hinh nuoi ong mat Sơn Tây đẩy mạnh công tác tập huấn phòng cháy
thi xa son tay hieu qua tu mo hinh nuoi ong mat Nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả

Mang lại hiệu quả kinh tế lớn

Được biết, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) có từ khoảng năm 1984, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát.Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi ong đã được đẩy mạnh và phát triển một cách tập trung, có quy mô.

Năm 2018, nhằm liên kết chặt chẽ các hộ nuôi ong hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 40 thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 70 - 100 đàn. Tiền thân của hội là câu lạc bộ nuôi ong lấy mật, ra đời từ năm 2007 với 11 thành viên. Cũng từ đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, thu hút thêm nhiều hộ thành viên, nâng số lượng tổng đàn lên hơn 3.000 đàn, chủ yếu là giống ong nội, sản lượng mật đạt khoảng 32.000 - 35.000 lít/năm. Trong đó, hộ nuôi ong có quy mô lớn nhất nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Nam (thôn Nghĩa Hương) với số lượng đàn ong khoảng hơn 500 đàn có khi lên tới 1000 đàn. Thu nhập bình quân của gia đình anh rơi vào khoảng hơn 1 tỷ đồng/ năm.

thi xa son tay hieu qua tu mo hinh nuoi ong mat
Nghề nuôi ong góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân.

Được biết, tổ liên kết nuôi ong hoạt động theo quy định, nội quy do hợp tác xã đề ra. Ở đây, các hộ nuôi ong sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, chọn giống cũng như hỗ trợ đầu ra cho các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Quyền – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Kim sơn cho biết:” Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình trong toàn xã, các hội viên đều chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhau bằng đam mê, tâm huyết và hoàn toàn miễn phí. Khoảng vài 3 tháng, tổ chức họp tổ 1 lần, còn việc trao đổi kinh nghiệm luôn diễn ra hằng ngày giữa các thành viên. Ai có khúc mắc hay gặp phải vấn đề gì có thể liên hệ hỏi các thành viên khác ngay. Riêng trong năm 2018, HTX đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc ong, đồng thời hỗ trợ thu mua, tiêu thụ một phần mật ong cho các thành viên.

Nhờ sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau, sản lượng mật ong 9 tháng đầu năm 2018 của tổ đạt 30.000 lít, tăng khoảng 8000 - 9000 lít so với cùng kỳ năm 2017. Hiện tại, HTX có quy định mức giá chung cho mỗi lít mật ong là 200.000/lít và được các hộ thực hiện nghiêm túc. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn có tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, thu hoạch phấn hoa và các sản phẩm khác mang lại nguồn thu nhập từ 150 - 800 triệu đồng/hộ/năm (tùy quy mô chăn nuôi).

Cùng với sự giúp đỡ của các sở, ban ngành Thành phố, thị xã Sơn Tây cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”. Sản phẩm mật ong cung ứng cho thị trường đã có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Xác định thương hiệu đến từ chất lượng, vậy nên, mỗi hộ nuôi ong của xã luôn chăm sóc và sản xuất mật ong của mình một cách đúng quy định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cốt lấy chất lượng, không chạy đua theo số lượng. Nhờ vậy, mật ong Kim Sơn gần như không phải lo đến đầu ra. Mỗi đợt thu hoạch mật đều có khách đến tận nơi thu mua, thậm chí còn có thời điểm không đủ mật cho khách”. – ông Quyền chia sẻ thêm.

Mô hình cần nhân rộng

Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn xã Kim Sơn, trong năm 2018, UBND thị xã hỗ trợ 50% kinh phí mua 300 đàn ong giống và 1.000 thùng nuôi ong cho 25 hộ. Đến nay các hộ tham gia sản xuất ổn định với số lượng đàn ong đạt khoảng 2.500 đàn, năng suất mật ong bình quân từ 10 - 12 lít/đàn/năm, giá mật ong trên thị trường đạt từ 200.000 - 250.000 đồng/lít góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân.

Không chỉ mang lại thu nhập cao, nghề nuôi ong mật còn được đánh giá là một nghề không gây lỗ và ổn định hơn so với việc chăn nuôi những giống vật nuôi khác.

Ông Trần Văn Quyết – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Kim Đài 1, khẳng định nuôi ong mật là một nghề không bao giờ lỗ. “Với diện tích đất vườn rộng 5ha, tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình nuôi trồng, từ gà, vịt, ngan, lợn, cho đến ong…Hiện nay gia đình tôi đang chăm sóc 1 đàn gà với 250 con, và 64 thùng ong. So với các con vật khác, mức độ ruit ro từ việc nuôi ong là rất thấp. Dù thời tiết không ổn định khiến sản lượng mật thu hoạch được ít thì người dân vẫn giữ được tổ và ong giống. Riêng việc bán ong giống cũng giúp các hộ gia đình thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu mỗi năm”.

Cũng theo ông Quyết, sau nhiều năm giúp đỡ, nuôi hộ ong cho các hộ khác, ông nhận ra được tiềm năng kinh tế lớn từ nghề này và quyết định đầu tư tự nuôi riêng. Trong những ngày mới bắt đầu, ông được các hội viên trong tổ nuôi ong của hợp tác xã trực tiếp chỉ dạy. Việc ong có khỏe mạnh và cho năng suất cao hay không phần lớn phải dựa vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách và kinh nghiệm chăm sóc từ người đi trước. Người nuôi ong muốn phát triển được bền vững thì phải tạo thành một khối, cùng học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau.

Chính sự phát triển của nghề nuôi ong mật đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận người nông dân xã Kim Sơn. Qua đó, đóng góp vào thành tích chung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân trên địa bàn xã đã đạt trên 41 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm còn gần 1,7%.

Không chỉ xã Kim Sơn, một số xã, phường khác như Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ cũng đang mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật với số lượng từ 5 - 12 hộ thành viên. Riêng phường Xuân Khanh đã thành lập tổ hợp tác nuôi ong với 22 hộ thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 50 - 70 đàn, hộ nuôi nhiều nhất là 200 đàn.

Đại diện UBND phường Kim Sơn cho biết, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ liên kết nuôi ong là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp năm 2019 của địa phương. Theo đó, cùng với tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn sản xuất mật ong bảo đảm an toàn thực phẩm, địa phương sẽ hỗ trợ nhân cấy nghề nuôi ong, nhất là cho các hộ có điều kiện khó khăn.

Để tạo điều kiện cho nghề nuôi ong xã Kim Sơn phát triển bền vững và mang lại giá trị cao cần có sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban ngành Thành phố. Đặc biệt là đối với công tác thông tin thị trường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm mở rộng hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ mật ong Kim Sơn.

Cùng với việc tập trung mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn Tây” nhằm nâng cao giá trị cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó khuyến khích các hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế trang trại, góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này