Ký sự: Những chàng trai canh giữ biển đảo quê hương

Bài 3: Người lính thầm lặng

12:04 | 05/03/2019
(LĐTĐ) Ở quần đảo Trường Sa có những người lính không cầm súng vẫn đang ngày đêm lặng lẽ góp phần nhỏ vào công cuộc bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng. Cùng với những đồng đội, đồng chí của mình, họ xứng đáng được tôn vinh bởi những cống hiến không ngừng nghỉ nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
bai 3 nguoi linh tham lang Bài 2: Tâm tình lính biển
bai 3 nguoi linh tham lang Bài 1: Chuyện các tân binh

Blouse trắng giữa trùng khơi

Tại đảo Thuyền Chài, 8 điều quy định chức trách quân y đảo chìm được đặt trang trọng tại phòng làm việc của Bác sỹ Trịnh Văn Tuấn. Theo đó, người chiến sỹ quân y đảo chìm phải nắm chắc tình hình ốm đau và tỷ lệ đảm bảo quân số trong đảo, báo cáo với Chỉ huy đảo tình hình sức khỏe của đơn vị và đề bạt ý kiến nhằm giữ vững, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, đảm bảo tỷ lệ quân số khỏe, luyện tập và chiến đấu cao nhất; tổ chức thực hiện việc cứu chữa thương binh trong chiến đấu nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở hỏa tuyến, cứu chữa kịp thời và chuyển nhanh về tuyến sau; huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu cho bộ đội, chiến sỹ cứu thương và nhân viên quân y trong đảo...

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ đối với bác sỹ Trịnh Văn Tuấn là lần cứu chữa ngư dân Lê Văn Tĩnh (SN 1989, quê ở Bình Thuận) đi đánh cá gặp nạn trên biển trong cơn bão vào tháng 7/2018. Bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng, đặc biệt là phần chấn thương bụng kín, chảy máu trong, sai khớp háng, gãy hở 2 xương chân và có biểu hiện sốc chấn thương nguy kịch.

bai 3 nguoi linh tham lang
Đại úy, bác sỹ Lê Phước Cường, công tác tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa

Do điều kiện nhân lực, trang thiết bị và thuốc men trên điểm đảo vô cùng thiếu thốn, Bác sỹ Tuấn lo không thể cầm cự giúp bệnh nhân cho đến lúc có tàu chở về đất liền. Tuy nhiên, trước ánh mắt mong chờ của những bạn thuyền, sự tin tưởng và hỗ trợ hết lòng của anh em chiến sỹ trên đảo cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của quân y tuyến trên, Bác sỹ Tuấn đã gạt bỏ hết âu lo để làm nhanh, làm chính xác các phương pháp cứu chữa và giữ lại được mạng sống cho bệnh nhân. Đến nay, anh Tĩnh đã khỏi hẳn và mỗi khi đi biển vẫn ghé vào thăm anh em chiến sỹ trên đảo.

Còn tại đảo Trường Sa Lớn, Trung tâm Y tế nơi đây được Đảng, Nhà nước và Quân đội đầu tư đồng bộ, trang thiết bị y tế hiện đại. Đại úy, Bác sỹ Lê Phước Cườngcho biết: Thời gian qua, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được đầu tư về trang thiết bị một cách bài bản, đồng bộ. Qua đó, công tác thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị cho người dân, ngư dân, cán bộ, chiến sỹ được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi được cấp cứu kịp thời tại đây khi chuyển về đất liền đã được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe có chuyển biến tích cực.

Người “chuyên chở” những cánh thư

Theo thời gian, những phong thư đã nhường chỗ cho các phương tiện liên lạc hiện đại hơn. Nhưng với nhiều người ở Trường Sa, đến Trường Sa thì những dòng chữ, tấm thiệp vượt sóng về đất liền vẫn mang ý nghĩa thật đặc biệt. Dưới bóng mát của những cây bàng vuông xanh mướt ở thị trấn Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tuyên, Bí thư Đoàn thanh niên Trường THPT Ngô Quyền (Thái Nguyên) cùng một số thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ngồi cặm cụi viết những tấm thiệp chúc mừng.

bai 3 nguoi linh tham lang

Anh Phạm Hùng Dũng (33 tuổi, cán bộ Điểm Bưu điện - Văn hoá đảo Trường Sa).

Mỗi tấm thiệp đều có hình ảnh Trường Sa được gấp cùng với một lá bàng hay lá tra khô. Đã nhiều năm nay, mỗi lần đến đây, các thành viên câu lạc bộ đều làm công việc này để gửi lời cảm ơn những người đồng hành với những chuyến quà ra Trường Sa. Điều đặc biệt là mỗi phong thư đều được đóng dấu “Thư gửi từ Trường Sa” như những lời nhắn gửi đầy yêu thương từ đảo xa về đất liền.

Anh Phạm Hùng Dũng (33 tuổi, cán bộ Điểm Bưu điện-Văn hoá đảo Trường Sa) đã công tác ở đây gần một năm nay là người chuyên chở những lá thư của các chiến sỹ, các đoàn khách. Dần quen với nỗi nhớ nhà, khi nhắc đến gia đình, anh Dũng chia sẻ: “Mình mới có một bé trai 1 tuổi. Lúc mình đi công tác bé còn chưa biết lật nên cũng thương lắm. Thỉnh thoảng mình lại giục vợ gửi vài tấm ảnh ra cho xem để bớt nhớ gia đình”.

Còn hơn 4 năm nữa công tác ở Trường Sa, với số lần được về thăm nhà chắc chắn rất ít ỏi, đó là cả quãng thời gian dằng dặc anh Dũng xa cách đất liền, xa cách gia đình. Thế nhưng, với anh Dũng cũng như những người lính nơi đây, mọi nỗi niềm riêng đều phải nhường chỗ cho công việc chung. Hàng tháng, tận tay đóng gói, chuyển những cánh thư, những bưu phẩm mà các chiến sỹ, người dân gửi về đất liền khiến anh cảm thấy ấm lòng và tự hào về công việc của mình.

Ngoài công việc ở bưu điện, anh Dũng còn tham gia công tác Đoàn, thường xuyên cùng cán bộ thị trấn Trường Sa giao lưu văn nghệ, thể thao với các đơn vị quân đội. “Công tác ở đây vợ chồng mình cũng xác định sẽ có nhiều khó khăn, thử thách và phải vượt qua bằng được. Từ khi ra đây, bạn bè, người thân có gọi điện hỏi thăm cũng biết ý chỉ nói chuyện vui để mình yên tâm công tác. Còn mình ở đây nếu có ốm qua loa cũng chẳng báo để ở nhà bớt lo lắng”, anh Dũng chia sẻ.

Thấy gió, thấy bão là… làm

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Hoàng Văn Xuân, trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa bị ngắt quãng vì đến giờ anh phải truyền số liệu về đất liền. Anh Xuân đã công tác tại đây gần 5 năm. Hàng ngày, anh Xuân cùng đồng nghiệp thu thập dữ liệu khí tượng, thời tiết, hải văn 24/24 giờ rồi 3 tiếng một lần gửi về đất liền. Những khi khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết xấu, việc chuyển dữ liệu phải thực hiện 30 phút một lần.

Công việc mà mọi người hay nói thấy gió, thấy bão thì chạy ra vốn đã vất vả lại càng hiểm nguy hơn nơi đảo xa. Mỗi năm ở Trường Sa chịu ảnh hưởng của 3 - 4 cơn bão. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, quanh năm, anh Xuân và đồng nghiệp ở đây phải đều đặn ra ngoài trời để thu thập dữ liệu gửi về phục vụ công tác phân tích để dự báo, cảnh báo thời tiết. Càng những lúc thời tiết nguy hiểm thì càng phải ra ngoài để làm nhiệm vụ.

Năm 2010, giữa mưa to, gió lớn, một nhân viên trạm làm nhiệm vụ đo độ mặn và mực nước biển đã mãi không trở về vì bị sóng biển bất ngờ ập đến. Năm 2017, khi cơn bão số 16 quét qua đảo làm cây cối đổ gãy, nước ngập hàng mét, các nhân viên ở trạm phải rất vất vả mới thu thập, đưa dữ liệu về kịp thời. “Chúng tôi đều xác định làm việc ở đây sẽ rất vất vả nên lúc nào cũng đoàn kết, gắn bó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tấm gương của đồng chí Nghĩa là động lực để anh em trong đơn vị cố gắng, nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống”, anh Xuân trầm ngâm.

Khi được hỏi liệu có gắn bó lâu dài với công việc này ở đảo Trường Sa không, chẳng cần suy nghĩ lâu, anh Xuân quả quyết: “Nếu còn sức khoẻ và đơn vị điều động thì tôi sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Làm việc ở đảo là niềm tự hào vì ngoài công việc chuyên môn chúng tôi còn được góp một phần nhỏ bé của mình để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”.

H.Duy

(Bài 4: Những người con Hà Nội ở Trường Sa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này