Cần cảnh giác với trào lưu "thử thách cùng Momo"

08:34 | 04/03/2019
(LĐTĐ) Không chỉ gây ám ảnh khi xuất hiện trên kênh YouTube dành cho trẻ em mà hiện nay, game tự sát “Thử thách MoMo” (MoMo Challenge) đang có xu hướng lan sang cả Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.  
con ac mong momo challenge xuat hien tren facebook Làm thế nào để trẻ thoát khỏi vòng xoáy thử thách tự sát kinh dị Momo?
con ac mong momo challenge xuat hien tren facebook Ví điện tử đang bị lợi dụng cho việc đánh bạc

Thời gian gần đây nhiều bậc phụ huynh tỏ vô cùng ra lo lắng khi YouTube Kid (kênh giải trí dành cho trẻ em) xuất hiện clip hướng dẫn chơi game có nội dung ghê rợn có tên "Thử thách Momo". Được biết, game này đã được giới truyền thông cảnh báo từ năm 2018 nhưng gần đây lại xuất hiện trên YouTube dưới dạng clip đề xuất cho người dùng xem. Và trên thực tế, nó không chỉ xuất hiện trên YouTobe mà đã lan sang cả mạng xã hội Facebook.

Hoang mang trước trào lưu nguy hiểm này chị Nguyễn Thị Hải Yến (Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm) cho biết: "Sau khi nghe mọi người nói nhiều về trò chơi nguy hiểm này tôi có vào xem thử. Đến người lớn như tôi còn phải thấy giật mình khiếp sợ huống hồ mấy đứa trẻ con. Trước đây, do bận nên thường đưa điện thoại cho lũ trẻ, muốn chơi gì thì chơi. Sau vụ đấy tôi cấm, không cho tự ý xem facebook hay Youtobe nữa. Muốn xem phải xin phép và chỉ được xem những chương trình lành mạnh".

Trong môi trường công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, đặc biệt khi mà lượng người dùng trẻ ở lứa tuổi vị thành niên đang chiếm số lượng lớn thì mối lo về những hệ lụy xấu là điều có thể nhìn thấy trước. Bởi vì, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị tác động, thậm chí bị ám ảnh khi xem các hình ảnh, clip có tính chất bạo lực và ghê rợn.

Trước sự phát triển phức tạp của trào lưu "thử thách cùng Momo", Tiến sỹ tâm lý học Trần Thành Nam cho rằng: Cấm cản trẻ chơi các trò chơi bao lực, ghê rợn là rất khó, bởi vì trẻ vốn có tính tò mò, càng bị cấm tính tò mò lại càng được kích thích và có xu hướng làm ngược lại với lời phụ huynh. Vậy nên, vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức của trẻ, để trẻ tự ra quyết định xem trò chơi đó có gây hại không và không tham gia.

“Để ngăn chặn những trò chơi như thế này cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, nhất là gia đình và nhà trường – những người gần trẻ em. Đầu tiên, các bậc phụ huynh cần phải ý thức được rằng hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều chương trình có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em. Từ đó, tìm hiểu xem trẻ có tham gia, bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm hay không. Các phụ huynh hãy dạy cho trẻ quy tắc ứng xử an toàn ở trên mạng và tìm cách đưa ra cho con lời khuyên, cùng con tìm hiểu, phân tích những mối nguy hiểm có thể xảy ra” - Tiến sĩ Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia công nghệ đưa ra khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội cũng như các kênh giải trí trên internet của con trẻ. Mọi thông tin trẻ truy cập trên internet cha mẹ bắt buộc phải nắm biết. Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn. Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.

Theo một số nghiên cứu, hiện nay có hơn 19% trẻ em dưới 3 tuổi ở Việt Nam được phụ huynh cho sử dụng Smartphone. Ở độ tuổi này, các em thường dùng smartphone để chơi game hoặc xem các chương trình giải trí trên mạng xã hội. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới như Anh hay Pháp trẻ em trên 12 tuổi mới được sử dụng Smartphone để truy cập mạng internet. Điều đó cho thấy, sự quá thoải mái trong việc cho con cái sử dụng smartphone của các bậc phụ huynh Việt Nam sẽ dễ dẫn đến tình trạng trẻ tiếp xúc sớm với các trò chơi bạo lực, tiêu cực.

Trong xã hội hiện đại, việc trẻ em sử dụng điện thoại hay máy tính để giải trí đang trở nên ngày càng phố biến. Sự xuất hiện của Momo challenge không chỉ là lời cảnh báo về sự quản lý thiếu chặt chẽ của các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ mạng mà còn là hồi chuông nhắc nhở các bậc phục huynh cần quan tâm hơn đến cuộc sống hằng ngày của con cái.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này