Cảm hứng mới về tranh 12 con giáp

10:49 | 01/03/2019
(LĐTĐ) Không phải là lần đầu tiên triển lãm tranh với chủ đề 12 con giáp, nhưng đối với họa sỹ Ngô Bá Công, mỗi lần lại ghi những ấn tượng đặc biệt với công chúng không chỉ bởi sự sáng tạo, ý tưởng hội họa mà bởi anh lại thêm những tâm tình mới để thổi hồn vào tranh. Lần này, họa sỹ Ngô Bá Công cho ra đời 12 con giáp khác lạ, độc đáo và đau đáu về việc lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật dân gian, tôn vinh một thể loại thủ công truyền thống đang dần mai một.
cam hung moi ve tranh 12 con giap Triển lãm Tuất Dome 2018: Cảm hứng sáng tác từ 12 con giáp

Hơn 20 năm cầm cọ, với độ lùi về thời gian và độ “chín” của nghề, trong triển lãm lần này, Ngô Bá Công mang đến những tác phẩm chứa đựng một năng lượng tạo hình độc đáo. Sức biểu cảm trong tranh được mang tới không chỉ bởi màu sắc và bút pháp, mà là một phong cách mới khiến nhiều người kinh ngạc.

Lấy cảm hứng từ 12 con giáp vốn rất quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, bởi chúng có ý nghĩa tượng trưng cho một chu kỳ của lịch đại, cùng với đó là ý nghĩa về mặt tạo hình theo đặc điểm của mỗi con giáp. Một thể loại từ xưa dòng tranh Đông Hồ đã được các nghệ nhân khai thác các hình tượng các con giáp mang tính dân gian khắc – in trên chất liệu giấy điệp. Sau này có một loại hình khác có khai thác đến một số con giáp bằng chất liệu giấy bồi để làm mặt nạ phục vụ vào các dịp lế hội - lễ tết – trung thu, chúng có ý nghĩa tượng trưng về các con giáp.

cam hung moi ve tranh 12 con giap
Họa sỹ Ngô Bá Công

Dựa trên cơ sở ban đầu của hai loại hình này họa sỹ lấy ý tưởng kết hợp giữa tranh vẽ phẳng mang tính khái quát về dáng gần với cách tạo hình của tranh Đông Hồ, còn riêng phần đầu các con giáp được tạo hình theo kiểu mô hình 3D gần với dạng mặt nạ của các nghệ nhân hà thành đang làm, được gắn – bồi trên vải toan, cùng với vải màn xô và vẽ màu tổng hợp. Mỗi con giáp được tạo hình khái quát hóa với lối vẽ trang trí mảng phẳng kết hợp với họa tiết mang yếu tố dân tộc, mảng màu chủ yếu nguyên chất tươi vui, chất dân gian được bộc lộ khá rõ nét.

Có thể nói đây là một cách tạo hình không hẳn mới nhưng chúng vẫn là 12 tác phẩm rất mới theo quan niệm tạo hình của họa sỹ hiện đại “họa sỹ kết hợp nghệ nhân” giữa các yếu tố dân gian – tính dân tộc, giữa qúa khứ và hiện tại được họa sỹ lồng ghép với nhau để tạo nên một nét mới cho một cách tạo hình hiện đại, mang ý nghĩa nhân văn và giá trị văn hóa.

Nói thêm về ý tưởng kết hợp giữa hội họa truyền thống 2 chiều và hội họa 3 chiều, họa sỹ Ngô Bá Công chia sẻ: “Khi xem bộ tranh 12 con giáp này, nhiều người đã thốt lên đẹp quá, lạ quá. Nhưng với riêng tôi, tôi cảm nhận được sự khác biệt trong chính văn hóa Việt mà mình đang cố gắng thể hiện tốt nhất, rõ nét nhất lên từng bức tranh, đó chính là sự kết hợp giữa ngôn ngữ của dòng tranh Đông Hồ, nét văn hóa rất lâu đời của người Việt và phần văn hóa hiện tại là những chiếc đầu được làm từ mặt nạ giấy bồi.

Tôi đã đến ngõ 73 phố Hàng Than để gặp vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa, là nơi duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội để tìm hiểu, trao đổi và đặt làm mặt nạ 12 con giáp. Vợ chồng nghệ nhân đã làm mặt nạ giấy bồi rất kỳ công và bày tỏ sự tha thiết yêu nghề truyền thống này, tôi đã nảy ra ý định lấy phần đầu bằng mặt nạ giấy bồi – cũng là một nghề truyền thống xưa của Hà Nội – kết hợp với hội họa hiện đại để tạo ra những sản phẩm hội họa này”.

cam hung moi ve tranh 12 con giap
Tranh Hợi trong bộ tranh 12 con giáp đang được triển lãm tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố Cổ Hà Nội.

Trong tranh 12 con giáp, họa sỹ thể hiện các hoa văn mang đúng ý nghĩa của người Việt. Sản phẩm khi tạo ra, ban đầu mọi người chỉ thấy lạ thì thích vì nó độc đáo, nhưng đối với họa sỹ thì những bức tranh này còn mang tính bảo tồn văn hóa của người Việt. Anh từng nói trên trang mạng xã hội của mình rằng: “Tôi là người Việt Nam nên tôi yêu văn hóa Việt, chính vì tình yêu đó nên tôi mới tạo ra được những sản phẩm mang đậm hồn, nét của người Việt”.

Nói về bộ tranh 12 con giáp của họa sỹ Ngô Bá Công, PSG.TS. Họa sỹ Đoàn Thị Mỹ Hương (Ban Nghiên cứu nghệ thuật Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết: Là một họa sỹ, giảng viên mỹ thuật có số lượng đáng kể các hoạt động triển lãm cá nhân và nhóm trong nhiều năm qua, Ngô Bá Công luôn nung nấu ý tưởng tìm đến những cách biểu đạt mới trong sáng tác.

Đúng như họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã từng nhận định: “Thẩm mỹ tạo hình của Công đã chuyên qua các giai đoạn và Công dường như vẫn chưa muốn dừng lại để tìm cá tính sáng tạo của riêng mình”.

Thạc sỹ, Họa sỹ Ngô Bá Công sinh ngày 15/9/1972 tại Hoài Đức, Hà Nội. Hiện là giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non, ĐH Sư phạm Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Từ năm 1997 đến nay, anh đã có nhiều cuộc triển lãm tranh với đa diện phong cách hội họa, trong đó có 2 lần triển lãm tranh 12 con giáp được đông đảo người yêu hội họa chú ý và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình mỹ thuật.

Ngô Bá Công yêu thích vẽ các con vật với phong cách tạo hình mang nhiều yếu tố trang trí, anh dường như đang “chơi” với những mảng màu tươi sáng, những gam màu nóng, lạnh, tương phản và sự đan – gài hợp lý của các mảng màu đen, trắng... Có lẽ vì thế, tập hợp hơn 25 bức tranh chất liệu tổng hợp, với chủ đề về 12 con giáp, không phải ngẫu nhiên được lựa chọn trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố Cổ, một địa chỉ văn hóa lâu năm của Hà Nội.

“Trong triển lãm lần này, Ngô Bá Công sẽ cho chúng ta thấy sự dung dị, kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các yếu tố ngôn ngữ tạo hình của nghệ nhân hội họa với tạo hình dân gian trong tranh Đông Hồ, và sự khéo léo trong sản phẩm mặt nạ giấy bồi của nghệ nhân... Nghệ sỹ kết hợp với nghệ nhân là ý tưởng chủ đạo trong tác phẩm 12 con giáp lần này. Đúng như thông điệp mà họa sỹ muốn truyền tải: Là người Việt mình phải yêu văn hóa của người Việt Nam. Việc lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật dân gian, tôn vinh một thể loại thủ công truyền thống đang dần mai một rất đáng được lưu tâm.

12 con giáp cho người xem một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ từ sự kết hợp giữa tạo hình 2 chiều trong hội họa với không gian 3 chiều – một thủ pháp tạo hình từ mặt nạ giấy bồi – cho chúng ta những cảm nhận đa chiều trong sự biến đổi bề mặt toan thông thường, tạo nên cái nhìn lạ mắt và khá thú vị trong loạt tác phẩm của họa sỹ Ngô Bá Công trong triển lãm”, PGS.TS, họa sỹ Đoàn Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này