Đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô:

Hiệu quả khi người dân chung tay, góp sức

16:02 | 28/02/2019
(LĐTĐ) Những ngày qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tổ chức ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Trước đó, những hành động nhỏ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường như: Đổ rác đúng giờ, phân loại rác thải, quét dọn đường phố… đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội. Điều này khẳng định ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử có trách nhiệm với môi trường của người dân đang dần được hình thành.
hieu qua khi nguoi dan chung tay gop suc Vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn về sinh nơi công cộng
hieu qua khi nguoi dan chung tay gop suc Đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
hieu qua khi nguoi dan chung tay gop suc Lan tỏa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng

Những tín hiệu vui

Thời điểm này, trên rất nhiều con đường, tuyến phố ở Hà Nội như: Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Láng Hạ, Liễu Giai, đường Võ Nguyên Giáp đi sân bay Nội Bài, Võ Chí Công, Giảng Võ, Láng… đều rực rỡ sắc hoa. Bộ mặt cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường được chú trọng quan tâm.

hieu qua khi nguoi dan chung tay gop suc

Người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường trên trục đường Nguyễn Hoàng

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong vấn đề môi trường. Chẳng hạn, để chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” văn hóa nơi công cộng, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nhờ đó, nhiều tuyến phố, ngõ, khu dân cư đã hình thành được nề nếp đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhiều tuyến phố văn minh đô thị được hình thành, mang lại diện mạo khang trang hơn cho thành phố.

Quận Cầu Giấy là một ví dụ. Theo tìm hiểu, mỗi ngày toàn quận thu gom trung bình 340 tấn rác thải sinh hoạt, ngoài ra, trên địa bàn còn có các trường hợp đổ trộm đất thải, phế thải xây dựng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực từ chính quyền đến người dân, tính riêng trong năm 2018, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều con phố, tuyến đường ngày càng gọn gàng và ngăn nắp hơn, ý thức chấp hành pháp luật của người dân về môi trường ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, rác thải vẫn là một vấn đề nhức nhối và bài toán khó giải đáp đối với Hà Nội. Theo các con số thống kê, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Lượng rác thải tại Hà Nội tập trung đủ loại từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng...

Mặc dù, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải, một số dòng sông, khu vực làng nghề, nông thôn) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do Hà Nội còn thiếu các vị trí để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu các khu xử lý rác theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố.

Để khắc phục vấn đề này, Hà Nội đang chú trọng triển khai công tác phân loại rác tại nguồn theo hướng phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý; kết hợp với việc phân loại tinh tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp, xử lý; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hướng tới việc phân loại phù hợp với công nghệ xử lý trong bối cảnh Thành phố đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện.

Được biết, để nâng cao ý thức cho người dân, UBND quận đã chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường xây dựng chi tiết phương án tổ chức thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường, trong đó cụ thể rõ quy trình thực hiện đối với từng khối lượng được phê duyệt, đúng quy định tại Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND Thành phố.

Ngoài các hạng mục được phê duyệt theo kết quả trúng thầu, UBND quận cũng đã chỉ đạo thực hiện công tác duy trì nhặt rác tại các vườn hoa hở, dải phân cách; thu gom, vận chuyển rác phát sinh trong các công viên kín; thu dọn, vận chuyển cành, lá cây sau công tác cắt tỉa trên các tuyến đường do Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

Đáng chú ý, UBND quận đã bố trí 67 điểm trung chuyển, tập kết rác thải sinh hoạt, đất thải, phế thải xây dựng, giảm 38 điểm tập kết; lắp đặt được 375 thùng thu, chứa rác. Duy trì và ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống tin nhắn Viber, Zalo...) trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vấn đề vệ sinh môi trường còn tồn tại, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả và có sự phối hợp của tất cả các ban, ngành, đơn vị và UBND các phường.

Còn tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) hoạt động dọn vệ sinh môi trường vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần đã thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo cùng các tầng lớp dân cư. Hoạt động vệ sinh môi trường này đã trực tiếp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường sống, xây dựng phường Ngọc Khánh ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Không chỉ sạch nhà mà còn đẹp phố

Có một thực tế là, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ mang lại nhiều hiệu quả chỉ khi người dân chung tay, góp sức. Nói cách khác, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, đoàn thể địa phương và người dân là phương pháp hữu ích nhất góp phần duy trì sự sạch đẹp của đô thị.

Chẳng hạn, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), UBND phường bên cạnh việc thành lập các tổ công tác tập trung xử lý hành chính các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và quảng cáo rao vặt trên địa bàn phường… đã khéo léo huy động sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị xã hội và người dân.

Được biết, thời gian này, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, đông đảo người dân… đã tổ chức ra quân bóc, xóa quảng cáo rao vặt trên tuyến phố Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn và triển khai tổng vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư.

Các tổ công tác đã xử lý tháo dỡ trên 80 biển hiệu, biển quảng cáo, 300 pano quảng cáo sai quy định, tháo dỡ 11 lều lán che bạt; thu giữ 50 ghế nhựa bày bán trên vỉa hè; tổ chức các tổ tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn trật tự đô thị, không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh và chứa vật liệu, biển quảng cáo trái phép; thu gom rác thải phát sinh…

Còn tại quận Hai Bà Trưng, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường nâng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã tự bóc gỡ khi thấy quảng cáo, rao vặt trái phép xuất hiện. Các đoàn, hội trong đó tiêu biểu là Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… đã kết hợp vận động người dân dọn dẹp, thường xuyên quét dọn làm sạch đường phố.

Riêng thời gian vừa qua, lấy nòng cốt là Hội Cựu chiến binh, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng. Kết quả, đã lăn sơn hơn 7.000m2 tường bao công cộng, đường, ngõ, ngách và làm sạch hơn 1.000 cột điện, tủ điện... Hiện tượng dán quảng cáo, rao vặt trái phép đã giảm hẳn.

Dẫn như vậy để thấy rằng, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống có trách nhiệm với môi trường, nâng cao ý thức người dân đã và đang có những tín hiệu vui. Tuy nhiên, về lâu dài, để tinh thần chung tay bảo vệ môi trường được lan tỏa rộng khắp mỗi người dân Thủ đô cần phải trở thành những tuyên truyền viên tích cực, các cấp quản lý địa phương cần gương mẫu đi đầu tuyên truyền và vận động. Vẫn biết đây là việc làm khó, cần lộ trình “dài hơi” song vẫn có thể thành công nếu ý thức của cả cộng đồng được cải thiện, những việc làm tốt được nhân rộng.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này