Điện mặt trời áp mái: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

08:36 | 28/02/2019
(LĐTĐ) Nhằm triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng, ngày 27/2, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ngân hàng, nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích từ năng lượng sạch…
dien mat troi ap mai tiem nang lon con bo ngo EVN Hà Nội lý giải lý do tiền điện tháng 02/2019 tăng cao
dien mat troi ap mai tiem nang lon con bo ngo Hà Nội: Triển khai nghiệp vụ thu - chi bảo hiểm xã hội qua hệ thống ngân hàng
dien mat troi ap mai tiem nang lon con bo ngo Cục xúc tiến thương mại phối hợp cùng Amazon hỗ trợ doanh nghiệp Việt

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết: Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. Trong khi đó, sau 2 năm triển khai mô hình điện mặt trời lắp mái hộ gia đình mới có 1.800 hộ dân tham gia với công suất lắp đặt 30 MW. “Công suất như vậy là rất khiêm tốn so với tiềm năng".

dien mat troi ap mai tiem nang lon con bo ngo
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”

Chính vì vậy, EVN mong muốn có sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhà đầu tư đang đi quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn. Chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến là sẽ tiếp tục tăng nhanh nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 - 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.

Với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích thiết thực. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải. Đối với các hộ dân, khi lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán lại điện cho EVN… đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương song 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân được chỉ ra là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình...

Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của nhà nước tới các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thông qua Hội thảo, EVN cũng đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Về phía EVN cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối, thanh toán nhanh chóng dễ dàng. Chuẩn bị tất cả thiết bị nguồn lực (công tơ 2 chiều), truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về điện mặt trời áp mái.

Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư 16, nhằm khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên tham gia thị trường. Cục cũng mong muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp... nhằm hợp lực để xây dựng chương trình một cách hiệu quả tránh lãng phí.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này