Mùa xuân ở làng chài

16:00 | 19/02/2019
(LĐTĐ) Nhắc đến Vạn Vĩ (Ðan Phượng, Hà Nội) hẳn ai cũng mường tượng ra cái địa điểm dân chài quần cư được cách đây hơn trăm năm. Nghe các cao niên kể, căn cố của làng xuất phát từ thôn Ðại Thần (xã Ðồng Tháp) rồi dần sáp nhập với làng Ðịch Vỹ (xã Phương Ðình) và xã Trung Châu… qua đủ sự biến thiên, hội họp như vậy rồi mới trở thành làng chài Vạn Vĩ như ngày nay. 
mua xuan o lang chai Làng chài những ngày giáp Tết
mua xuan o lang chai 6 làng chài đẹp nhất nên khám phá ở đảo Phú Quốc

Có kinh nghiệm tích lũy qua những năm tháng lênh đênh trên con nước nên người làng chài Vạn Vĩ thường chia mùa cá thành 2 “khúc” khác biệt. Thời gian dễ kiếm cá nhất là vào khoảng tháng Ba đến hết tháng Tám (âm lịch), sông có nguồn cá dồi dào, thời gian còn lại trong năm lượng cá kiếm được không đáng là bao.

mua xuan o lang chai
Lễ hội rước nước trên sông.

Nay dưới sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Vạn Vĩ phần lớn đã chuyển lên bờ định cư, giã từ đời sống sông nước lênh đênh. Nhắc chuyện này, một cán bộ địa phương bảo hiện vẫn còn số ít hộ dân sống dựa vào sông nước. Nhưng chung quy cuộc sống của người dân đã thay đổi khá nhiều so với trước. Trẻ nhỏ đã được đến trường đầy đủ, cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng đã no ấm hơn…

Quả thực, đến với làng chài Vạn Vĩ những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp không khí nô nức ngày xuân. Có người từng hóm hỉnh mà so sánh vui rằng, cuộc sống của người dân nơi đây nếu đem so với 10 năm trước hẳn là một sự khác biệt tựa như đang đi xe đạp được “nâng đời” chuyển lên xế hộp. Ấy là hàm nghĩa ám chỉ cuộc sống cơm áo của những người từng một thuở bị gọi “cơm niêu nước lọ” nay đủ đầy, khấm khá.

mua xuan o lang chai
Cuộc sống người dân làng chài giờ đã bớt khó khăn.

Theo đó, ít năm gần đây, người dân vạn chài nơi đây đã mạnh dạn góp tiền, vay vốn để mua tàu chở vật liệu xây dựng. Ngoài ra, bà con thay vì lênh đênh kiếm tôm, bắt cá nay họ đầu tư nuôi cá lồng để xuất bán, coi đây như nguồn thu nhập chính. Duy chỉ có điều, những lồng cá này người làng phải nuôi trải khắp tứ xứ, từ các xã như: Chu Phan, Thạch Đà (Mê Linh) đến Trung Hà, Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc)... ít có bè lồng nào quần tụ ở làng.

Ở làng chài Vạn Vĩ người dân bao thế hệ nối tiếp nhau sinh sống, vật lộn trên sông nước để lao động, chiến đấu và tồn tại. Trong điều kiện thực tế ấy dân chài đã sáng tạo, xây dựng cho mình những sản phẩm văn hóa mang đặc tính văn hóa sông nước. Nói cách khác họ có nét văn hóa riêng so với người dân định cư trên bờ.

Theo tìm hiểu riêng của người viết, hầu hết các làng chài trên sông Hồng cũng như làng chài Vạn Vĩ đều có tục thờ thần Hà Bá linh thần. Ngoài ra họ còn phụng thờ các thần khác như Lạc Long Quân (Lạc Long Vương), thần Linh Thông, thần Linh Ứng, thần Ngư Phụ tiên sư…

Và lễ hội rước nước trên sông vào giữa đêm thường tổ chức đêm mùng 9, sáng mùng 10 tháng Giêng ở Vạn Vĩ cũng là nhằm tưởng nhớ và mong cầu Hà Bá linh thần ban cho dân trong vùng một năm thuận lợi, xuôi chèo mát mái. Các cao niên trong làng kể, ở Vạn Vĩ cứ đều đặn hàng năm từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Hai Âm lịch sẽ tiến hành lễ xuống lưới. Từ ngày 23 đến ngày 25 tất thảy người làng sẽ giong thuyền đi đánh cá. Trong thời gian này, mọi ngư dân đều phải để lại con cá to nhất để cúng Hà Bá. Gia đình nào có cá to nhất làng được chọn làm vật cúng thần, đó là vinh dự lớn.

Theo tìm hiểu riêng của người viết, hầu hết các làng chài trên sông Hồng cũng như làng chài Vạn Vĩ đều có tục thờ thần Hà Bá linh thần. Ngoài ra họ còn phụng thờ các thần khác như Lạc Long Quân (Lạc Long Vương), thần Linh Thông, thần Linh Ứng, thần Ngư Phụ tiên sư… Và lễ hội rước nước trên sông vào giữa đêm thường tổ chức đêm mùng 9, sáng mùng 10 tháng Giêng ở Vạn Vĩ cũng là nhằm tưởng nhớ và mong cầu Hà Bá linh thần ban cho dân trong vùng một năm thuận lợi, xuôi chèo mát mái.

Theo các cao niên trong làng kể, ở Vạn Vĩ cứ đều đặn hàng năm từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Hai Âm lịch sẽ tiến hành lễ xuống lưới. Từ ngày 23 đến ngày 25 tất thảy người làng sẽ giong thuyền đi đánh cá. Trong thời gian này, mọi ngư dân đều phải để lại con cá to nhất để cúng Hà Bá. Gia đình nào có cá to nhất làng được chọn làm vật cúng thần, đó là vinh dự lớn.

Liên quan đến hội rước nước đêm ở Vạn Vĩ cũng hết sức huyền ảo và kỳ lạ. Theo đó, lễ này được ấn định tổ chức vào đêm mùng 9 tháng Giêng hàng năm, giữa thời điểm chuyển giao đêm và ngày. Mang ý nghĩa thiêng liêng nên dù chẳng ai bảo nhưng hễ là người Vạn Vĩ hoặc dân làm nghề chài lưới quanh vùng thì thời điểm này lại trống giong, cờ mở tham dự lễ.

Đoàn rước theo đó cứ thế mà đông dần. Dù vậy, trên cơ bản thì đoàn luôn ấn định số lượng gồm 1 phà lớn và 50 thuyền nhỏ xuất phát từ bến đình làng Vạn Vĩ. Đoàn nô nức di chuyển ngược mãi lên tận miếu Đình Nguyên (Mê Linh) mới dừng lại làm lễ lấy nước trên sông. Đến khúc sông đã chọn trước, chẳng ai bảo nhưng các thuyền lớn nhỏ đều tự động nối đuôi nhau lượn tròn rồi mới tiến hành nghi lễ.

Chủ lễ - một cao niên được kính trọng bậc nhất trong làng, am hiểu thủ tục, văn khấn sẽ đại diện múc từng gáo nước thiêng giữa dòng, nghiêng vào bình thiêng. Lễ được bắt đầu với bài tế cầu mong cho đất nước bình yên, cho người dân chài lưới Vạn Vĩ khấm khá hơn, đỡ vất vả hơn trong năm tới.

Ngày mới ở làng vạn chài Vạn Vĩ, những chiếc thuyền sau những thời khắc vui hội lại nối đuôi nhau rời bến mang theo mong ước “thuận chèo mát mái” như khát vọng ấp ủ suốt bao đời của những ngư dân chất phác.

Khi nhận đủ lượng nước thiêng, đoàn thuyền xoay quanh thuyền rồng, quay nhiều vòng rồi mới về đình. Bình nước thiêng sau khi được rước về đình cũng được đặt trang trọng để người dân hương khói, thờ phụng cẩn thận cho đến mùa lễ sau.

Khi đám rước trở về đình trên sông cũng là lúc ánh bình minh trải những tia nắng ban mai trên mặt nước sông. Đến đây hội rước tiến hành nghi thức tế lễ yên vị. Nghe kể, xưa hội rước trên sông kéo dài đến mãi tận 5h ngày hôm sau, nay kết thức sớm hơn nhưng mọi việc vẫn được diễn ra trật tự, tôn nghiêm.

Sáng ngày 25 (ngày chính hội) bên những con thuyền cắm cờ hội, người dân lại nô nức theo nhau về bến. Đại biểu từ các phường vạn ở đầu nguồn Yên Bái xuống, Hà Nội ngược lên tất thảy đều họp về thăm hội. Người dưới sông, trên cạn, cả quan khách từ tỉnh, huyện kéo về, không khí lễ hội chan hoà mang đậm không gian văn hóa vạn chài.

Áng chừng người dân đã tề tựu về bến đông đủ, Ban khánh tiết sẽ tiến hành tuyển chọn những con cá lớn nhất để dâng cúng thần linh. Những con cá nguyên, tươi sống, đạt tiêu chuẩn được đặt lên mâm đồng dâng lên bàn thờ, tế lễ thần linh. Riêng số cá còn lại một phần giành cho tiệc cá chung của làng, phần khác chia đều cho dân làm lễ tại nhà.

Trong chuyến đi tìm hiểu về những phong tục đón Tết trên khắp các làng chài, trong đó có Vạn Vĩ khiến tôi nhận thấy một điều: Dường như hương vị của mùa xuân trên những ngôi làng ven chân sóng đọng lại lâu hơn, bởi sự sôi động, phong phú về đời sống văn hóa. Đó không chỉ là việc trẩy hội mùa xuân mang ý nghĩa cầu ngư mà còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian. Đó còn là các tiết mục đậm tính sông nước như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đánh cờ người...

Đức Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này