Ngày thơ Việt Nam: Tổ quốc, cái đẹp - nguồn cảm hứng bất tận

11:42 | 19/02/2019
(LĐTĐ) Cứ đến hẹn lại lên, vào dịp Rằm Nguyên Tiêu, hàng ngàn khách thơ lại đến văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham dự Ngày Thơ Việt Nam. Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 được đón gần 200 nhà thơ, nhà văn, dịch giả nổi tiếng từ 46 quốc gia trên thế giới. Với chủ đề “Sông núi trên vai”, các nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã cùng viết nên những vần thơ ca ngợi tổ quốc, đất nước, con người Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Chiến tranh biên giới phía Bắc. Tại Ngày thơ, chúng ta đã tìm được tiếng nói chung với cộng đồng thơ ca thế giới về tinh thần yêu nước bất khuất của con người Việt Nam.
ngay tho viet nam to quoc cai dep nguon cam hung bat tan Gần 200 khách thơ quốc tế đội mưa đến Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17

Tổ quốc và nhân dân là niềm cảm hứng

Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chia sẻ tại Lễ Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 là ngày hội để tôn vinh thơ ca, chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người và văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa cởi mở và thân thiết với công chúng yêu thơ thuộc nhiều thế hệ. Với chủ đề “Sông núi trên vai”, các nhà thơ muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là: Các nhà thơ đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và Nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm và thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam.

Các bài thơ chủ đề “Sông núi trên vai” không chỉ bó hẹp nội dung đề tài về cuộc chiến bảo vệ biên giới, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, về tình yêu đất nước, vai trò, trách nhiệm của các nhà thơ và tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca. "Sông núi trên vai" là tên một trường ca của Nhà thơ Anh Ngọc, sáng tác năm 1977. Chính vì thế, ông cũng được lựa chọn là nhà thơ mở đầu sân thơ với trích đoạn cùng tên: “Những người đi cùng thế hệ với tôi/ Sông núi trên đôi vai bé nhỏ/ Tầm vóc họ lớn hơn lịch sử/ Tầm vóc họ lớn hơn chính họ/ Bài ca về những đôi vai...”.

ngay tho viet nam to quoc cai dep nguon cam hung bat tan
Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Diễn ra vào đúng ngày 17/2 lịch sử đúng kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019). Cũng chính thời khắc đó quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương với một tinh thần và một quyết tâm: Chủ quyền tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Trên sân thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình bày bài thơ “Tổ quốc nơi biên thùy”. Bài thơ được ông viết vào ngày 12/7/2016 trong chuyến công tác cùng Hội Nhà văn Việt Nam đến Vị Xuyên Hà Giang. Đó cũng là ngày giỗ trận Vị Xuyên 12/7/1984.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, đất nước của chúng ta liên tục trải qua những cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược, cũng chính vì thế mà nhân dân nhiều thế hệ đã phải chịu đựng bao nhiêu nỗi đau thương, mất mát. Qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau… Chính vì thế cần có thêm những sáng tác đánh thức tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của giới trẻ với những vấn đề của đất nước.

Nhà thơ Fernando Rendon, Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Medelin (Colombia), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ Latinh đã thốt lên trước hàng ngàn người yêu thơ Việt Nam và quốc tế tại sân thơ Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Giờ đây tôi nhìn thấy bằng mắt và tôi cảm nhận từ trái tim mình, một Việt Nam trong chiến đấu và bây giờ trong hòa bình. Tại đây cũng có những người lính trở về từ chiến tranh, đã đấu tranh vì độc lập dân tộc, hôm nay trong hòa bình lại biết yêu thơ, yêu cái đẹp trong mùa xuân thanh bình của đất nước. Tôi trân trọng ngợi ca những con người Việt Nam, từ sâu thẳm trái tim mình”.

Trái tim đồng cảm từ cộng đồng thơ ca thế giới

Nhà thơ Fernando Rendon, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ Latinh: Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 cùng với Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 do Việt Nam tổ chức là hai trong những hoạt động tích cực giúp làm đầy dòng sông thi ca thế giới. Đây là sự kiện lớn nhất thế giới được ủng hộ bởi Hội Nhà văn châu Á – Phi và Mỹ La Tinh và phong trào thi ca quốc tế. Những vị lãnh đạo quan trọng nhất của phong trào thi ca quốc tế luôn luôn sẵn lòng ủng hộ Việt Nam, ủng hộ Hà Nội thành Thủ đô của phong trào thi ca quốc tế.

Trong mùa xuân tháng 2 lịch sử này của Việt Nam, trên 150 quốc gia đang có 1.000 hoạt động thi ca, ca ngợi tình yêu, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ hòa bình và tự do. Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam một lần nữa hòa chung vào những áng văn thơ của nhân loại, ngợi ca từ sâu thẳm trong dòng lịch sử của nhân loại, của từng dân tộc, đấu tranh cho lẽ phải, vì sự công bằng và vì sự tiến bộ xã hội. Và lịch sử của Việt Nam, tình yêu đất nước của Việt Nam, cuộc chiến của Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tình yêu thơ ca trên toàn thế giới.

Chúng tôi, những nhà thơ quốc tế luôn luôn sát cánh, luôn luôn dành trái tim toàn diện và mãnh liệt cho Việt Nam. Thi ca góp phần đấu tranh chống lại mọi cường quyền áp bức và chống lại mọi cuộc chiến tranh trên thế gian này.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho hay: Trong thế kỷ trước, các nhà văn, nhà thơ thế giới đã có nhiều sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam...Tiếp bước những bậc thầy đi trước, tại sự kiện này, nhiều tài năng trẻ của thế giới lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam chứng tỏ tình hữu nghị luôn tìm ra nhiều giải pháp để rút ngắn mọi khoảng cách. Đặc biệt, ngày nay, hoạt động thơ văn của Việt Nam đang ngày một đổi mới, đồng thời vẫn gắn chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung, làm giàu cho thế giới thơ ca.

Tại sân thơ, Nhà thơ Kemadjou Marcel (Cameroon) đã dành cho những người yêu thơ một sáng tác viết về Hồ Chí Minh. Trong bài thơ, Kemadjou Marcel “kể” câu chuyện “Hồ Chí Minh đã dạy tôi rằng” bằng những lời thơ xúc động, tha thiết về vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam và tinh thần yêu nước của Người đã chạm đến trái tim nhân loại.

Còn nhà thơ Biplab Majee của Ấn Độ đã viết “Bài thơ tình cho Việt Nam” ca ngợi tinh thần yêu nước và vượt qua đau thương của chiến tranh bằng niềm tin và ý chí mãnh liệt. Bà viết: “Tôi muốn viết bài thơ đong đầy những giọt sương lấp lánh/Về những ngọn núi đứng giữa trùng khơi/ Về sự tí hon khiến những kẻ mạnh nhất thế giới rúng động/Về niềm tin và những sợi dây tín ngưỡng…”.

Nhà thơ Biplab Majee đã bày tỏ thán phục, cho rằng “Việt Nam là một đất nước của thi ca. Một trong những minh chứng là các bạn đã chọn ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam. Vào ngày này, lễ hội thi ca diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đặc biệt, những “khách thơ” đến từ nhiều nơi trên thế giới có thể trải nghiệm “Thành phố thơ văn” ở Hà Nội ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với hàng ngàn người yêu thơ Việt Nam”.

Có mặt tại Sân thơ trẻ trong phần lớn thời gian của buổi sáng 17/2, nhà thơ Kim Tae Soo (Hàn Quốc) ghi nhận: Sáng tác của nhiều nhà thơ được đọc tại sân thơ trẻ, các tác phẩm sắp đặt với góc thể hiện đa chiều của hàng trăm chiếc gương phản chiếu mọi mặt đời sống đương đại, những thiết kế phông nền sân khấu với những góc cạnh mạnh mẽ mà bay bổng đều thể hiện một tinh thần trẻ, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ thời đại mới, đem lại nhiều hy vọng lớn lao cho thi ca Việt Nam.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này