Thị trường lao động Thủ đô đầu năm: Nhiều doanh nghiệp “ngóng” ứng viên

08:49 | 15/02/2019
(LĐTĐ) Ghi nhận của phóng viên Lao động Thủ đô, trong phiên giao dịch việc làm đầu Xuân tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, Hà Nội), nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp nhận ứng viên với mức thu nhập, lương, thưởng đưa ra chào mời khá ưu đãi. Tuy nhiên, trái với mong muốn từ doanh nghiệp, phần lớn người lao động còn khá đủng đỉnh.
Tạo thêm nhiều việc làm mới để không còn tình trạng thất nghiệp
Hơn 1,6 triệu người được tạo việc làm mới trong năm 2018
Dự báo thị trường việc làm năm 2019: Triển vọng những gam màu sáng

Doanh nghiệp “chờ”, ứng viên chưa vội

Chị Tố Uyên - nhân viên tuyển dụng của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ ngày và đêm cho biết, công ty hiện có nhu cầu tuyển dụng 50 bảo vệ cho hệ thống siêu thị Vinmart, Vincom mới mở tại Hà Nội. Với điều kiện lao động chỉ cần cao từ 1m65 trở lên, không bị khuyết tật, sau khi được đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, ứng viên sẽ được bố trí đi làm với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Yêu cầu không cao, thu nhập khá hấp dẫn với lao động phổ thông, song cả buổi ngồi tuyển, chỉ có duy nhất 1 lao động đến tham khảo thông tin tuyển dụng.

Thị trường lao động Thủ đô đầu năm: Nhiều doanh nghiệp “ngóng” ứng viên
Các bàn tuyển dụng trong phiên giao dịch đầu năm khá vắng ứng viên đến tìm hiểu. Ảnh: L.N

Chị Uyên cho biết: Do lao động làm việc tại các vị trí này là lao động phổ thông, phần lớn ở các tỉnh, nên thường nghỉ Tết đến sau Rằm mới đi làm trở lại. Cũng có một số lao động, sau khi nghỉ Tết là nghỉ việc luôn nên vừa ra Tết, công ty phải tuyển dụng ngay để lấp chỗ trống.

Tham gia phiên giao dịch việc làm đầu năm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội với mong muốn sẽ tuyển được lao động chất lượng, phù hợp với yêu cầu của công ty, chị Du Hoa - Phòng nhân sự Công ty cổ phần quốc tế Tập đoàn khách sạn A25 cho biết: Công hiện đang cần một số vị trí: Quản lý khách sạn; nhân viên buồng phòng, dọn phòng; nhân viên bảo vệ; nhân viên lễ tân kiêm thu ngân; kế toán thuế, kế toán tổng hợp...

Tuy nhiên, cũng không khác Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ ngày và đêm, chị Hoa ngồi đợi cả buổi, vẫn chưa có ứng viên nào. Theo chị Hoa, năm nay, tỷ lệ lao động “nhảy việc” sau Tết không đáng kể, song công ty vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí việc làm để đáp ứng nhu tại các chi nhánh mới mở.

Ông Nguyễn Kim Khôi - chủ doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết: Là doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật, năm 2019, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, công ty rất cần ứng viên. Người lao động sau khi được tuyển, có thể làm việc tại doanh nghiệp, hoặc mang việc về nhà làm... doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tối đa để người lao động có việc làm, thu nhập bằng sức lao động của mình.

"Chúng tôi rất kỳ vọng trong phiên giao dịch đầu năm mới sẽ tuyển dụng được lao động, và tôi hy vọng các doanh nghiệp khác cũng tìm được nhân sự phù hợp", ông Khôi cho biết

Lý giải thêm về việc phiên giao dịch việc làm đầu năm thường rất vắng vẻ, từ góc độ tâm lý ứng viên, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết: Nhu cầu tìm việc của người lao động đầu năm là vẫn có, tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm, cũng là truyền thống của người lao động Việt Nam, sau Tết, người lao động vẫn có xu hướng nghỉ ngơi, tham gia các lễ hội đầu năm, khoảng sau Rằm tháng Giêng, lực lượng lao động đến tìm việc tại Trung tâm mới sôi động trở lại.

Sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo

Nhận định về thị trường lao động năm 2019, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Năm 2019, thị trường lao động toàn quốc nói chung và Thủ đô Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực, đáng mừng. Điều này thể hiện qua tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết năm nay khá cao (khoảng 99%), do vậy, các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị không phải chịu áp lực về việc thiếu lao động sau Tết.

Thị trường lao động Thủ đô đầu năm: Nhiều doanh nghiệp “ngóng” ứng viên
Một trong số những lao động ít ỏi tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong phiên giao dịch việc làm đầu Xuân để xin tư vấn về việc làm. Ảnh: L.N

“Người lao động và người sử dụng lao động đã có tiếng nói chung, có sự gắn kết, nên tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc khá cao. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chế độ đãi ngộ tốt hơn để giữ chân người lao động. Chính vì vậy, nhu cầu tìm việc khác không xuất hiện vào thời điểm này. Hơn nữa, với những ứng dụng đa dạng về công nghệ thông tin, không nhất thiết người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để nhận sự hỗ trợ tìm việc mà có thể tương tác qua nhiều kênh, ứng dụng công nghệ khác nhau. Đây là tín hiệu tốt, góp phần tiết kiệm chi phí cho người lao động và xã hội”, ông Thảo phân tích thêm.

Để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động và doanh nghiệp trong năm 2019, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Năm 2019, Trung tâm sẽ làm tốt hơn công tác dự báo, thông tin thị trường lao động - qua đó cung cấp được nhiều thông tin về thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp, để người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp, ổn định, bền vững và doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực dồi dào, phù hợp để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

“Trọng tâm trong 2019, Trung tâm sẽ tập trung thực hiện nâng cao năng lực của Sàn Giao dịch việc làm (gồm 2 sàn chính và 13 sàn giao dịch việc làm vệ tinh); đổi mới hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm; chú trọng nâng cao hơn nữa công tác phân tích, dự báo cung cấp cho người quản lý, nhà doanh nghiệp và người lao động con số, thông tin kịp thời về bức tranh thị trường lao động qua đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, minh bạch”, ông Tạ Văn Thảo khẳng định.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết: Dự kiến, năm 2019, Trung tâm sẽ tổ chức 10 phiên chuyên đề với những nhóm ngành nghề phù hợp để hỗ trợ được nhiều nhóm lao động; tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại những địa bàn chưa có sàn, điểm giao dịch việc làm, đặc biệt là nơi xa trung tâm thành phố, qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách không gian địa lý, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động “gặp” nhau.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua tổng hợp nhu cầu từ các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm đầu năm: Trong số 707 chỉ tiêu tuyển dụng, việc làm trong lĩnh vực như thương mại - dịch vụ chiếm đa số, với tỷ lệ 71,9%. Tiếp đến là các lĩnh vực như: Sản xuất chiếm tỷ lệ 21,1%; xây dựng, bảo hiểm chiếm tỷ lệ 7%.

Về mức lương được chia ra thành nhiều bậc khác nhau, dao động từ 5-15 triệu đồng/tháng, tùy vào từng tính chất và vị trí việc làm. Bên cạnh đó cũng có 102 chỉ tiêu việc làm với mức lương thỏa thuận, chiếm 14,4%.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này