Lễ hội Đền Quán Thánh - Đông Bộ Đầu:

Nghe khúc tráng ca về đánh giặc ngoại xâm và lòng hiếu thảo

20:37 | 12/02/2019
(LĐTĐ) Sáng nay (12/2) tức ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tại Đền Quán Thánh (Thôn Đông Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội truyền thống tưởng nhớ ngày sinh của đức Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng.  
nghe khuc trang ca ve danh giac ngoai xam va long hieu thao Bất chấp thời tiết nắng nóng, các em nhỏ hứng khởi theo chân cha mẹ trẩy hội đền Gióng
nghe khuc trang ca ve danh giac ngoai xam va long hieu thao Lễ hội Đền Sóc năm Mậu Tuất văn minh, hấp dẫn du khách
nghe khuc trang ca ve danh giac ngoai xam va long hieu thao Bỏ nghi thức "cướp lộc" hoa tre, lễ hội Đền Sóc yên ả đón du khách

Bắt đầu từ 8 giờ sáng, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân xã Đông Bộ Đầu và du khách tứ phương về trảy hội, Lễ Khai hội đã được diễn ra trong không khí trang trọng tại Đền Gióng. Tại đây người dân được cùng nhau ôn lại “Sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh báo ân mẹ Bùi Thị Dung Quốc Mẫu Văn Lang thời Hùng Vương thứ 6” và cùng nhau chơi những trò chơi dân gian được truyền từ bao đời nay.

nghe khuc trang ca ve danh giac ngoai xam va long hieu thao
Lễ hội Đền Quán Thánh (Đông Bộ Đầu, Thường Tín, Hà Nội) diễn ra ngày mùng 8 tháng Giêng. (ảnh: Lương Hằng)

Gặp cụ Bùi Tiến Lượng, trưởng thôn Đông Bộ Đầu, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội hàng năm, nghe cụ kể về truyền thuyết xưa mới thấy hết ý nghĩa của ngày hội. Cụ Lượng cho biết, theo tích để lại, Phù Đổng Thiên Vương là Đệ nhị Tứ bất tử. Trang Khê Đầu (tức Bộ Đầu hiện nay) là nơi sinh ra bà Bùi Thị Dung, mẹ của Phù Đổng Thiên Vương. Ông Bùi Cẩn và bà Phạm Thị Hòa là người dân ở Trang Khê Đầu sinh ra một người con gái đặt tên là Bùi Thị Dung nhan sắc tuyệt trần khi lớn lên ở tuổi trăng tròn. Khi quan Bộ Đầu của trấn Bắc Ninh là Đổng Gia về thị sát tại vùng đất này, nhìn thấy Bùi Thị Dung xinh đẹp hơn người nên đã xin kết duyên làm vợ.

Kết duyên với Bùi Thị Dung được một năm thì Đổng Gia qua đời. Bùi Thị Dung không đi lấy chồng mà vào động Hoàng Nham để tu. Trong một buổi chiều bà lên đồi dạo chơi và ngồi nghỉ thì thấy một vết chân của người khổng lồ. Bà đã đặt chân vào vết chân ấy và ngủ thiu thiu trên tảng đá. Trong giấc mơ, bà thấy một đóa sen hồng ở trên trời cao rơi vào bụng và bà cảm thụ mình mang thai. Mãi 31 tháng sau bà mới sinh ra một bọc như đóa sen hồng, trong bọc lại có tiếng nói. Bà sợ quá liền mang dấu đóa sen vào động Hoàng Nham và trở về chùa.

Khi đó, giặc Ân sang chiếm nước ta, nhà vua cho người đi khắp nơi chiêu mộ người tài. Khi quan quân đến động Hoàng Nham thì bọc sen nở bung ra một người khổng lồ. Người khổng lồ truyền báo với nhà vua xin đi đánh giặc Ân. Quả nhiên, ngài đã quét sặc giặc Ân, nhổ toàn bộ tre ngà để làm vũ khí giết giặc.

Sau khi dẹp yên bờ cõi, ngài đưa mẹ đến triều đình dặn Vua Hùng: “Ơn bú mớm thật là sâu nặng, nhà ngươi hãy thay ta chăm sóc mẹ”, sau đó ngài bay về trời. Vua Hùng và các quan tướng quỳ tại Đại Bái, chắp tay bái lạy tiễn biệt Phù Đổng bay về trời, từ đó phong bà Bùi Thị Dung làm Quốc mẫu Văn lang đời thứ 6, cử 20 cung nữ sa giá hầu hạ.

nghe khuc trang ca ve danh giac ngoai xam va long hieu thao
Theo cụ Bùi Tiến Lượng, sự tích Phù Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh báo ân mẹ Bùi Thị Dung Quốc Mẫu Văn Lang thời Hùng Vương thứ 6 là khúc tráng ca về đánh giặc ngoại xâm, khúc tráng ca về lòng hiếu thảo”. (ảnh: Lương Hằng)

Sau 3 năm, bà Bùi Thị Dung xin phép nhà vua về quê mẹ tại Trang Khê Đầu. Tại đây, bà xây ngôi chùa ở đầu làng. Sau khi xây chùa, bà ra bờ sông Hồng dạo chơi (đoạn sông ngày nay gọi là Nhất đẩu Thanh Ngạn – ý muốn nói từ đầu nguồn trở về biển cả chỉ có đoạn sông này là có sự linh thiêng hào hoa tỏa sáng sinh ra những con người giúp ích cho đất nước).

Khi ấy, trời đang trong xanh bỗng dưng có cuồng vũ. Hai con giao long từ dưới sông xuất hiện cuốn lấy chân bà. Bà chỉ kịp ngửa đầu kêu cứu, thì có một vị thần khổng lồ hiện ra giẫm chết hai con giao long. Chân trái của vị thần quỳ xuống, tay trái nâng thi thể mẹ, bỗng nhiên thi thể biến thành ngôi bảo tháp gắn chặt vào bàn tay của vị thần. Dân làng và cung nữ đi tìm chỉ thấy hai vết chân khổng lồ to như hai cái thuyền. Từ đó, nơi đây được gọi là Bộ Đầu (Bộ Đầu tức là bước chân) và được triều đình lập đền thờ.

Theo cụ Bùi Tiến Lượng, đền thờ rất linh thiêng, các vua đời Trần, đời Lê, đời Trịnh… đều về tế lễ thì mới đánh thắng trận. Tương truyền rằng, thời Thánh tổ Triết vương Trịnh Tùng (1570–1623) đem quân đi đánh nhà Mạc, khi thuyền qua đền Bộ Đầu, không rõ vì lý do gì thuyền bị mắc kẹt quay ngang. Thăm dò hỏi dân địa phương Chúa biết có đền thờ Mẫu bà Bùi Thị Dung và Đổng Sóc Thiên Vương. Trịnh Tùng lên khẩn xin thần linh phù trợ để đánh thắng giặc, quả nhiên về sau dẹp loạn xong một cách thần tốc và do mải việc nước nên quên lời hứa xây dựng đền.

Vào một buổi trưa, trong giấc chiêm bao Trịnh Tùng mộng thấy một vị thần khổng lồ có Bát bộ Kim Cương theo cùng nói: Nhà ngươi đã sai lời hứa. Tỉnh mộng Chúa nhớ bèn sai thợ xây dựng đền, cho tạc một pho tượng thánh cao đến 21 thước ta (8,4m). Sách Công dư tiệp ký chép tạc tượng thần cao 3 trượng 6 thước (14,4m). Kiến trúc gồm nhà tiền tế 5 gian, gian giữa chồng diêm 8 mái để chuông đồng; hậu cung 2 tầng, tầng trên ba bề ghép kính, dân chúng đi trên đê sông Hồng đều nhìn thấy mặt Thiên Vương nhô lên ở tầng lầu. Do hậu cung hư nặng, tượng thánh phải tạc đắp lại so với tượng trước thấp đi nhiều, bỏ tầng trên hậu cung và xây kín các mặt. Thật tiếc! Hiện nay, trên mái đền vẫn còn nhiều phiến gỗ ván “mạn thuyền” niên đại 1575.

“Từ đó truyền thống mở hội để tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc - Đệ nhị Tứ Bất tử mang chữ trung và chữ Hiếu và cũng là ngày sinh của Phù Đổng ngày mùng 8 tháng Giêng. Trong lễ hội truyền thống bao giờ cũng có màn múa võ gậy thể hiện khí phách của dân tộc đánh giặc ngoại xâm bằng tre đằng ngà. Từ hơn 20 năm trở lại đây, Đền Gióng, Đông Bộ Đầu mới được các nhà khảo cổ, sử học khẳng định đây là nơi có đầy đủ chữ Trung và Hiếu, mới trọn đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam. Sự tích Phù Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh báo ân mẹ Bùi Thị Dung Quốc Mẫu Văn Lang thời Hùng Vương thứ 6 là khúc tráng ca về đánh giặc ngoại xâm, khúc tráng ca về lòng hiếu thảo”, cụ Lượng cho biết thêm.

Ngày 6/2/1979, đền Đông Bộ Đầu được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Năm 2011 được UNESCO công nhận một trong 8 nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Đền Quán Thánh được tổ chức chính hội sáng mùng 8 tháng Giêng diễn ra long trọng tại cửa đền với sự tham dự của hàng vạn người dân.

Bảo Thoa - Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này