Xin chữ đầu năm – ước vọng qua từng nét chữ

08:22 | 07/02/2019
(LĐTĐ) Đã từ lâu, phong tục xin và cho chữ đầu năm trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển như “rồng bay, phượng múa” không chỉ thể hiện sự tài hoa của người cho chữ mà còn thể hiện những ước vọng của người xin một năm nhiều tài, lộc, bình an, may mắn, hạnh phúc và thành công.
xin chu dau nam uoc vong qua tung net chu Đầu năm mới hàng ngàn người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ
xin chu dau nam uoc vong qua tung net chu Giữ gìn nét đẹp truyền thống xin chữ đầu năm
xin chu dau nam uoc vong qua tung net chu Tưng bừng ngày hội gói bánh chưng quận Thanh Xuân 2019

Từ xa xưa, việc xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt đã được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Điều đó đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của dân tộc từ nhiều thế kỷ và ngày càng được nối tiếp, kế thừa, gìn giữ và phát triển.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp phố phường và khắp mọi miền quê đều có những ông Đồ bay chữ, bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều, niềm nở đón người qua đường ghé xuống xin con chữ.

xin chu dau nam uoc vong qua tung net chu
Đã từ lâu, phong tục xin và cho chữ đầu năm trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh Mai Quý

Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Người lớn thì thường xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Doanh nhân thì xin các chữ: Phát, Lộc, Tài, Vượng với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió.

Các bạn thanh niên đang phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; Các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến để mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội…

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ.

Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Ngoài cầu tài, lộc, may mắn, bình an… người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Đây chính là minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

xin chu dau nam uoc vong qua tung net chu
Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển như “rồng bay, phượng múa” thể hiện những ước vọng một năm nhiều tài, lộc, bình an, may mắn, hạnh phúc và thành công. Ảnh Mai Quý

Những năm gần đây, tục xin và cho chữ ngày càng phát triển. Đặc biệt, cứ vào dịp từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng hằng năm, Hội chữ Xuân thường được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đến xin chữ lấy may đầu năm. Bên cạnh vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám ngày xưa đang lắng đọng rêu phong, thì “hồn dân tộc lại đang sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của ông đồ.

Hội chữ Xuân được tổ chức định kỳ còn nhằm mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các Thư pháp gia (Hán-Nôm và Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài, sáng tác và người dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành. Hơn thế nữa, người đến đây xin chữ còn có cơ hội hòa mình và trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không chỉ có ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những “phố ông Đồ” còn lan tỏa ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ở các điểm lễ hội vui xuân hay các đình, đền, chùa, miếu... thu hút đông đảo ông Đồ tham gia cho chữ và người đến xin chữ. Thực tế đó cho thấy, mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống ngày càng hối hả và sự ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ, mạng xã hội… ngày càng lớn nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.

M.Q

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này