Rằm tháng 7 có nên tin chuyện ma quỷ quấy dương thế?

15:02 | 08/08/2014
LĐTĐ - Tháng 7 âm lịch (ÂL) được coi là tháng cô hồn khi Diêm Vương mở cửa ngục cho ma quỷ được tự do trở về dương thế. Đây cũng là tháng Vu lan báo hiếu cha mẹ. Thế nhưng những lo lắng về ma quỷ vô hình đã khiến nhiều người cảm thấy bất an, thậm chí không muốn làm những việc quan trọng trong những ngày này.

Truyền thuyết

Truyền thuyết về Vu Lan liên quan đến tôn giả Mục Kiền Liên, một trong các đại đệ tử của đức Phật Thích Ca. Ngài có thể nhìn thấu hàng vạn tiền kiếp của mình cũng như mọi điều trong các cõi. Sinh thời, bà Thanh Đề- mẹ ngài sống bạc ác, cay nghiệt, vì vậy ngài biết mẹ mình sẽ bị đọa xuống địa ngục. Khi biết mẹ đang bị giam ở tầng ngục sâu nhất, ngài không khỏi xót lòng liền hóa phép ra mâm cỗ thật ngon dâng mẹ. Bà mẹ đói khát vội vàng vồ lấy thức ăn, nhưng hễ đưa đến gần miệng là lập tức biến thành lửa đỏ. Không thể giúp mẹ, ngài bèn trở về cầu cứu Phật Thích Ca. Đức Phật nói, một mình Mục Kiền Liên không thể giúp giảm nhẹ nghiệp quả cho mẹ, mà phải nhờ đến uy lực của nhiều tăng sĩ tu hành cùng cầu độ cho bà từ ngày mùng 4 đến 15 tháng 7, đồng thời phải làm cơm chay cúng dường tăng chúng, bố thí, làm việc thiện giúp đỡ chúng sinh. Làm vậy, theo đức Phật, không những có thể cứu bà Thanh Đề thoát kiếp ngạ quỷ (qủy đói) mà còn giúp bà hưởng phúc. Mục Kiền Liên làm theo, quả nhiên bà mẹ được siêu thăng.

Nếu như Vu Lan mang tính báo hiếu thì lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian. Tháng 7 ÂL cũng là thời điểm mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Dân gian vẫn quan niệm, các vong hồn khi được thả ra sẽ quấy phá các công việc của con người, theo đó, nếu làm những việc lớn như động thổ xây nhà, mua xe... đều phải kiêng kỵ. Chuyện kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi tịnh thì thấy một con ngạ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, đồng thời ông cũng được tăng thọ”. Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Đức Phật sau đó đã làm một bài chú đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung.

Bức tranh mô tả cảnh Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan.

Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường nhắc tới ngạ quỷ. Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Những lo lắng không đáng có

Là một tín ngưỡng dân gian liên quan tới các linh hồn, quỷ đói nên trong văn hóa người Việt có rất nhiều điều kiêng kỵ. Phổ biến nhất, nhiều người kiêng ra đường buổi đêm, nhất là với trẻ con, bởi cho rằng, ban đêm là lúc ma quỷ ra đường nên cần tránh xa kẻo bị bắt mất. Ngoài ra, rất nhiều người kiêng tới nỗi không dám lái xe vào ban đêm. Họ sợ sự va chạm - được coi là hành động xúc phạm tới quỷ thần và có thể reo rắc vận rủi sau này. Bơi ngoài sông, ngoài biển cũng là một điều tối kỵ mỗi dịp tháng cô hồn bởi dễ gặp phải chúng, dễ bị quỷ kéo chân làm cho chết đuối. Ngoài ra khi đốt vàng mã hối lộ cho các loài quỷ, ông bà xưa cũng cấm con cháu bước lên hoặc lại gần vùng đốt lửa. Nguyên nhân là vì lửa sẽ mở ra cánh cửa vào thế giới linh hồn, nếu chẳng may dẫm phải sẽ bị quỷ dữ lôi kéo, trêu ghẹo…

Cũng vì mê tín nên khi hai vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Tuấn, (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) định tổ chức chuyến du lịch vào Đà Nẵng thì bị mẹ nhất quyết không cho đi. Lý do đây là tháng ma quỷ hoành hành, nhỡ các cháu tắm biển rồi xảy ra chuyện xấu, chưa kể cả nhà thích tự lái xe trên đường mòn Hồ Chí Minh thì rủi ro tăng gấp bội. Anh Tuấn ngán ngẩm tâm sự: “ Tháng này không đi được, còn tháng sau các cụ mới đồng ý cho đi nhưng lại đúng vào lúc mưa bão nhiều nhất, hiểm họa còn cao hơn, ở nhà cho nó lành. Rút kinh nghiệm, năm sau vợ chồng thu xếp công việc sớm để đi du lịch từ tháng 6”.

Nhà ông Phạm Văn Thành, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội mấy ngày nay không khí căng như dây đàn, cậu con trai tìm hiểu bạn gái kiểu gì mà sau 8 tháng quen nhau cô bé kia đã mang bầu được 2 tháng. Hai gia đình đồng ý tổ chức đám cưới nhưng vợ ông Thành không nghe đòi tổ chức vào tháng sau với lý do đây là tháng ngâu, tháng ma quỷ lên dương thế, có cưới xin rồi cũng chia ly. Nghe bà nói thế gia đình thông gia tái mặt bởi bụng của con gái mình ngày một lớn, rồi ai dám chắc tháng sau lại không xảy ra chuyện gì. Đôi bên nói lý nói tình nhưng ai cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình thành ra câu chuyện cứ nặng nề dần.  

Với cánh kinh doanh xe ô tô cũ như anh Trần Việt Tú, đường Ngô Gia Tự, Long Biên thì tháng 7 ÂL chính là tháng hạn, bởi khách khứa rất ngại mua xe do sợ gặp chuyện không may. Cả tuần nay chỉ thấy khách ngó qua tham khảo giá chứ chưa thấy ai xuống tiền mua xe. Anh Tú cho biết, mình không nhận định chủ quan bởi 4 năm nay, kể từ ngày bước chân vào lĩnh vực xe cộ năm nào anh cũng gặp cảnh ế ẩm vào tháng này.

Những ngày này trên nhiều diễn đàn người ta cũng truyền tay nhau hàng chục điều kiêng, cấm kị trong tháng cô hồn. Rất nhiều người bày tỏ sự lo lắng và mong cho chuỗi ngày đen đủi sớm qua.

Đề cập đến những kiêng kị trong tháng cô hồn, nhà tâm linh Phan Oanh cho rằng đó là do tâm lý “sợ ma quỷ” của con người. Theo giáo lý Phật giáo, ma quỷ là có thật, thuộc một trong những giới chúng sinh trong 3 cõi 6 đường của vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, tinh thần của đạo Phật là hướng đến vô ngã, vị tha và yêu thương trùm phủ lên tất cả 3 cõi 6 đường của chúng sinh. Do vậy, việc ứng xử trong tháng cô hồn, Phật giáo hướng mọi người đến lòng từ bi. Cúng dường chúng sinh, cô hồn vì thế là việc được khuyến khích, không chỉ trong tháng 7 âm lịch mà vào bất cứ ngày tháng nào trong năm. Ngoài việc cúng thí thực cho cô hồn thì việc tụng kinh, niệm phật, cầu siêu…là rất quan trọng, giúp các vong hồn nhận ra được tính vô thường của đời sống, giải thoát khỏi những bám víu khổ đau nơi trần thế…Khi lòng đã hướng thiện thì những nỗi lo về thế lực siêu hình nào đó là không cần thiết.

Trước những kiêng kỵ có phần thái quá của nhiều người, nhà phong thuỷ Nguyễn Cung Hà cho rằng, kiêng kỵ đúc kết từ kinh nghiệm dân gian mọi người nên theo còn trong những trường hợp bất đắc dĩ phải làm thì sẽ có cách để hóa giải, không nên cứng nhắc. Thực ra, những cái ông bà ta kiêng kỵ nó thường liên quan đến thời tiết, thiên địa nhân, như động thổ, xây nhà, cưới xin. Còn bàn về kiêng kỵ có rất nhiều điều kiêng, xét về mỗi cá nhân trong tháng nào cũng có điều, có ngày người ta phải kiêng. Do đó, cứ hễ tháng Bảy là dừng lại mọi hoạt động thì đó là điều hoàn toàn phi lý.

Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Trong Phật giáo, hoàn toàn không có những quan niệm như 18 điều nên tránh trong tháng 7, cũng như quan niệm về ngày tháng đẹp – xấu. Trong 360 ngày thì ngày nào cũng là ngày tốt. Xui hay không xui là do tâm lí của con người. Chỉ có thời xưa, trong dân gian, mọi người hay kiêng kị chuyện cưới xin do ảnh hưởng của điển tích Ngưu Lang – Chức Nữ. Và cho tới gần đây, người Việt mới có suy nghĩ là tháng 7 kiêng kị. Nhưng thực ra, nếu xét ở nhiều khía cạnh thì tháng 7 mới là tháng đẹp nhất. Bởi tháng 7, mọi người làm nhiều việc thánh thiện nhất , thì mọi điều sẽ đẹp nhất.

Nguyễn Gia

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này