Cứu sống bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mòn van tim

07:45 | 26/01/2019
(LĐTĐ) Theo TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm vừa phẫu thuật cứu sống bệnh nhi N.Q.V (10 tuổi, ở Phú Thọ) bị suy tim hiếm gặp, thời gian sống chỉ còn tính bằng giờ đồng hồ.
cuu song benh nhan bi vi khuan an mon van tim Phẫu thuật thành công cho một phụ nữ 40 năm mang khối u như cánh đại bàng
cuu song benh nhan bi vi khuan an mon van tim Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có gần 400 viên sỏi trong túi mật
cuu song benh nhan bi vi khuan an mon van tim Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu nguy kịch

Bác sĩ Trường cho biết, cháu bé nhập viện trong tình trạng bị sốt cao, kèm theo suy tim. Đáng lo ngại, trước đó cháu bé đã sốt kéo dài 3 tuần. Theo lời gia đình bệnh nhi, cháu bé đã được đưa đi khám và điều trị tại một số bệnh viện nhưng các bác sĩ đều “bó tay”. Khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã trong tình trạng bị suy tim nặng. Có thời điểm bệnh nhi đã phải thở máy và hồi sức.

cuu song benh nhan bi vi khuan an mon van tim
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ ca bệnh với phóng viên.

Qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy van động mạch chủ của tim bệnh nhi bị tổn thương do vi khuẩn tạo thành khối sùi đã ăn mòn hết. Bệnh nhi có hiện tượng biến chứng dọa phù phổi, có thể đột tử bất cứ lúc nào. “Khó khăn ở chỗ, bệnh nhi còn nhỏ, lại không có sẵn vật liệu để thay van động mạch chủ. Các phương pháp trước đó như sử dụng chính màng tim của đứa trẻ để tạo lá van cũng không thể thực hiện được. Trong khi, tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn của van không biết cơ quan khác ở xung quanh có bị tổn thương hay không để xác định tổn thương. Chính vì vậy các bệnh viện trước đều từ chối điều trị”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Trước tình thế nguy cấp đó, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm đã quyết định phẫu thuật dù cơ hội sống sót không thể nói trước. Đây cũng là trường hợp phức tạp chưa từng gặp trước đó. Cũng theo bác sĩ Trường, trước khi “cân não” quyết định phẫu thuật cho cháu V., Trung tâm Tim mạch trẻ em đã phải liên hệ gấp với các đơn vị cung cấp van tim thay thế để tìm loại van nhỏ nhất có thể. Rất may, sau gần 30 phút liên hệ, đơn vị cung cấp đã tìm được và thay rất vừa vặn.

Ca mổ kéo dài suốt 9 tiếng căng thẳng và đã thành công. Chỉ sau một ngày hồi sức hậu phẫu, bệnh nhi đã hồi phục rất nhanh, rút được ống khí quản. Hiện sau phẫu thuật hơn 3 tuần, cháu V. đã khỏe mạnh, qua kiểm tra cho thấy van được thay đã hoạt động khá tốt. Nếu bệnh nhân ổn định có thể duy trì lá van thay đến khi trưởng thành (khoảng 18- 19 tuổi), khi cân nặng của bệnh nhân đến khoảng trên 60kg thì sẽ phải mổ để thay lại. Tuy nhiên lúc đó bệnh nhân đã trưởng thành thì việc thay thế đơn giản hơn rất nhiều.

cuu song benh nhan bi vi khuan an mon van tim
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi.

Với trường hợp của cháu V., theo các bác sĩ, nguyên nhân được xác định là do bị vi khuẩn xâm nhập máu trên nền bệnh tim bẩm sinh dẫn đến vi khuẩn khu trú ở van động mạch chủ và ăn mòn bộ phận này. Đặc biệt chức năng của van động mạch chủ là giúp dòng máu bơm từ tim chảy một chiều, ngăn không cho máu trào ngược về tim. Khi lá van này bị hỏng, máu bị trào ngược gây áp lực rất lớn lên buồng tim trái gây suy tim, cũng là nguyên nhân gây phù phổi.

Được biết, sau khi xử lý thành công ca bệnh phức tạp này, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch trẻ em cũng đã thực hiện được 3 ca tương tự. Các bệnh nhân sau mổ sức khỏe đều đã ổn định. Với những thành công vượt bậc của kỹ thuật mổ này, đã nâng trình độ của Việt Nam lên ngang tầm với các Trung tâm lớn của khu vực và trên thế giới.

Cũng qua trường hợp bệnh nhi này, bác sĩ Trường khuyến cáo các bậc phụ huynh, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt kéo dài nên đưa đến viện theo dõi phát hiện nguyên nhân. Đặc biệt, khi thấy trẻ chậm tăng cân, khi vận động nhanh dễ bị xuống sức, yếu, ngủ thường có biểu hiện vã mồ hôi nhiều… thì cần đưa trẻ đi khám tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh, phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, trong giai đoạn trẻ thay răng hay bị mọc mụn không nên tự ý mua thuốc ở ngoài, mà cần dùng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Trường chia sẻ: Trong năm vừa qua, Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện được nhiều ca phẫu thuật phức tạp. Tỷ lệ tử vong trong các ca mổ giảm xuống rõ rệt. Tỷ lệ sống lên tới 97%, tỷ lệ tử vong rơi vào tổn thương khó, đặc biệt trong thời kỳ sơ sinh. Cụ thể, trong năm 2018, Trung tâm đã mổ hơn 1 nghìn ca tim hở, 500 ca tim kín. Trong đó, có khoảng 20% bệnh nhân sơ sinh. Số bệnh nhân nặng và phức tạp từ trung bình trở lên chiếm tới 50% trong số đó.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này