Muôn nỗi vất vả của công nhân gác chắn tàu dịp Tết

17:22 | 23/01/2019
(LĐTĐ) Những ngày giáp Tết, trên những chuyến tàu xuôi, ngược Bắc - Nam, dòng người tấp nập với những niềm trở về gia đình quây quần đón Xuân mới. Để có được những chuyến tàu an toàn ấy là nhờ sự đóng góp thầm lặng của những người ngày đêm gác chắn đường ngang.  
muon noi vat va cua cong nhan gac chan tau dip tet Đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến trở lại sau đợt mưa lớn
muon noi vat va cua cong nhan gac chan tau dip tet Chính thức thông tuyến đường sắt Bắc - Nam sau gián đoạn do bão số 9

Trong nhịp quay của 365 ngày, bất kể dù nắng hay mưa thì những nhân viên gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Nỗi vất vả ấy càng được nhân lên vào những dịp lễ, Tết, khi các chuyến tàu được tăng cường để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

muon noi vat va cua cong nhan gac chan tau dip tet
Công nhân gác chắn đường ngang phải làm việc 12 giờ/ngày

Trong ngày giáp Tết, tranh thủ tìm gặp, trò chuyện với nhân viên gác chắn, chúng tôi được thấu hiểu hơn về những nỗi vất vả cũng như những nỗ lực cố gắng của mỗi nhân viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển qua đường ngang.

Tại trạm gác chắn Kim Liên C, dòng phương tiện giao thông vẫn nườm nượp ngược xuôi, bỗng tiếng còi báo hiệu, âm thanh phát ra từ hộp đài thao tác vang lên từng hồi dài. Những nhân viên gác trạm thoăn thoắt cầm cờ chạy ra ngoài kéo barie chắn ngang con đường và đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại phục vụ cho đoàn tàu về ga, rời ga.

Trò chuyện cùng họ, chúng tôi được biết, công nhân gác chắn đường ngang phải làm việc 12 giờ/ngày. Công việc nhìn bề ngoài tưởng chừng rất đơn giản với những việc nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và kéo rào chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không vướng chướng ngại nào. Tuy nhiên đằng sau sự tưởng chừng đơn giản đó là những vất vả, thậm chí nguy hiểm đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm không hề nhỏ của mỗi nhân viên gác chắn.

Tại gác chắn Kim Liên C, mỗi ngày có khoảng 5 - 6 chuyến tàu ngược xuôi, trong đó nhiều chuyến tàu thời gian chạy không cố định, có những chuyến chạy vào ban đêm, do đó nhân viên gác chắn phải tập trung cao độ. Ngay cả khi không có tàu, nhân viên trạm gác phải luôn túc trực để đảm bảo an toàn đường ngang. Vì đặc thù công việc, vào ca đêm các nhân viên phải thức trắng, buồn ngủ quá thì pha trà đặc, cùng nhau nhâm nhi chén trà giữ mình luôn được tỉnh táo để không xảy ra bất kỳ sự cố nào.

muon noi vat va cua cong nhan gac chan tau dip tet
Do công việc có nhiều đặc thù riêng, đối với những nữ công nhân gác chắn thì nỗi vất vả dường như càng lớn hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Mậu Hưng (nhân viên gác chắn tàu) cho biết với thâm niên gần 20 năm trong nghề, anh có rất nhiều câu chuyện, nỗi trăn trở về nghề để rồi mỗi khi nhớ lại anh cũng thấy phục chính bản thân vì đã có thể theo nghề lâu như vậy.

“Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Do đặc thù công việc vô cùng quan trọng nên những quy định trong nghề rất nghiêm ngặt. Mỗi chuyến tàu chạy qua nơi đường sắt giao cắt với đường bộ chỉ chừng 10 phút nhưng chỉ cần một giây lơ đãng là để lại hậu quả khó lường.

Cụ thể, khi đã lên ca thì tuyệt đối nhân viên không được rời trạm, dù trực đêm thì nhân viên gác chắn cũng tuyệt đối không được ngủ, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ để lại những mối nguy hiểm, nên nhân viên phải luôn tỉnh táo để hoàn thành ca trực,…

Con trai làm công việc này còn đỡ, chứ thương chị em phụ nữ phải thức thâu đêm, công việc của chúng tôi làm theo ca nên vất vả, nếu không yêu nghề thì sẽ không thể trụ được. Với những đặc thù công việc rất riêng đó, ngày nay để tìm được những người trẻ đi làm công việc này là một điều rất khó”, anh Hoàng Mậu Hưng cho hay.

Theo anh Hưng, làm nghề này như “làm dâu trăm họ”. Có người vui vẻ, nghiêm túc chấp hành luật giao thông để nhân viên đóng chắn nhưng cũng có người cố tình vượt gác chắn, không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh của nhân viên. Với họ, việc bị la mắng, chửi bới, thậm chí hành hung không phải chuyện hiếm gặp.

Ngoài những khó khăn ấy, trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về câu chuyện không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình đối với những nhân viên gác chắn không còn là chuyện quá xa lạ. Thông thường mỗi nhân viên gác chắn sẽ đảm nhiệm trực giao thừa trong 4 năm liên tiếp. Đối với anh Hoàng Mậu Lương, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp anh đón giao thừa tại trạm gác.

Nhớ về những buổi đón Giao thừa tại trạm anh Hưng cho hay: “Tâm lý chung của người Việt Nam mỗi khi Tết đến luôn muốn sum họp bên gia đình, những nhân viên gác chắn cũng chẳng phải ngoại lệ. Tôi và vợ tôi đều làm cùng nghề, nên vất vả hơn nhiều. Ngày Tết tranh thủ rảnh lúc nào đi sắm Tết cho con lúc đó chứ hiếm khi cả gia đình được cùng nhau đi sắm Tết như các gia đình khác. Ban đầu, khi tôi mới làm công việc này thì vất vả, cũng buồn nhưng giờ quen rồi vì công việc nên vẫn cố gắng thu xếp để hoàn thành nhiệm vụ”.

Cứ vậy, giữa những ồn ào, tấp nập nơi phố xá, những nhân viên như anh Hưng và đồng nghiệp vẫn ngày ngày lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đem đến những chuyến tàu an toàn cho mọi hành khách. Với họ, công việc dẫu có vất vả nhưng với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm đã giúp họ vượt qua tất cả để đem lại sự bình an cho những chuyến tàu.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này