Gửi nhớ thương về... Tàu Trường sa 19

17:46 | 19/01/2019
(LĐTĐ) Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài mệt mỏi... mở mắt ra không biết mình ở đâu là chuyện có thật. Thật đến độ, tôi phải mất nhiều hơn 5 phút để định hình mình đang nằm ở đâu? Bởi lẽ, đến lúc này, đầu tôi vẫn cảm giác chòng chành, dập dềnh... như thể mình vừa ngủ dậy trên chiếc giường tầng nhỏ xinh ở tàu Trường sa 19 những ngày đi công tác trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
gui nho thuong ve tau truong sa 19 Thăm, tặng quà và chúc tết cán bộ, chiến sỹ Trạm Radar 590
gui nho thuong ve tau truong sa 19 Vui Xuân, đón Tết cùng quân dân trên đảo Thổ Chu
gui nho thuong ve tau truong sa 19 Tổ chức thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ trên các nhà giàn DKI

Những ngày đi biển, mỗi sáng còi tàu báo thức đoàn tàu, tôi vẫn lười biếng nằm lăn lộn trên giường để ngủ nướng thêm chút xíu, hoặc ngắm biển qua ô cửa sổ nhỏ xinh trong phòng, để thấy thấy sóng biển phía xa xa dập dềnh... thấy ánh nắng xuyên qua mặt nước nhóng nhánh, lấp lánh đầy thích thú.

gui nho thuong ve tau truong sa 19
Tàu Trường Sa 19 đưa đoàn công tác đi thăm, chúc tết nhà giàn và quân dân huyện Côn Đảo.

Tôi bất giác mỉm cười, khi nghĩ đến chiếc giường không có quyền lựa chọn ấy. Nhiều người trong tàu vẫn thắc mắc, sao lại chọn chiếc giường trên tầng 2? Tôi chỉ phì cười giải thích vì không có sự lựa chọn. Và thực chất tôi cũng không cần lựa chọn. Ngay khi bước chân lên tàu, nhận phòng và cất đồ thì bản tính tò mò đã “dắt” chân tôi đi lang thang ngắm nghía, khám phá khắp tàu, thậm chí "tham lam" ngắm cả tàu đang neo đậu bên cạnh. Và chỉ 30 phút sau khi tàu rời cảng, phòng tôi “biên chế” 4 người, thì 3/4 người say sóng nằm la liệt như "ngả rạ". Và họ cứ nằm bẹp vậy trong hai ngày đầu lên tàu. Và nghiễm nhiên, từ hôm đó chiếc giường tầng nhỏ xinh thuộc về tôi.

Nhưng những ngày sống trên tàu, tôi đủ biết chiếc giường nhỏ ấy đáng quý đến nhường nào. Bởi lẽ, để nhường nó cho tôi cùng đoàn công tác, các cán bộ, chiến sỹ hải quân trên tàu đã phải ôm chăn, ôm gối, thậm chí ôm mỗi chiếc võng đi ngủ “lang” khắp các ngóc ngách còn trống trên con tàu quân sự không chuyên nghỉ dưỡng ấy.

gui nho thuong ve tau truong sa 19
Tập thể cán bộ, phóng viên báo chí thăm trạm Rada 590 ở Côn Đảo.

Tôi cũng biết, đã có những cán bộ, chiến sỹ, nhất là những người làm việc trong nhà bếp, bị đau lưng, mệt mỏi, thậm chí vẫn bị say sóng... chỉ bởi không có giấc ngủ ngon, sức khỏe không được đảm bảo. Trong khi, với đoàn cán bộ, phóng viên báo chí, say sóng, mệt có thể đi nằm nghỉ, còn họ vẫn phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vậy, với tôi, chiếc giường ấy còn đáng quý hơn cả phòng ngủ êm ái và đầy đủ tiện nghi ở những khách sạn 5 sao mà tôi đã từng dừng chân.

Trong căn phòng thương yêu đó, có những đồng nghiệp xa lạ... lạ đến độ sáng nào tỉnh giấc tôi cũng ngó xuống chỉ để nhìn họ. Nhìn xem khuôn mặt lạ lẫm của họ. Nhìn xem họ đã tỉnh dậy chưa, có còn say sóng không? Và giúp họ lưu lại những bức hình đủ các tư thế nằm, ngồi... khi “sóng quật” để đời. Vậy mà khi quen sóng, nhìn hình họ hét lên kinh hoàng như thể người trong ảnh không phải là mình...

gui nho thuong ve tau truong sa 19
Đoàn phóng viên báo chí trong tư thế sẵn sàng trước khi lên nhà giàn.

Với riêng tôi, tôi cảm nhận thấy chính những vất vả trong chuyến hải trình đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp gắn kết các thành viên trong phòng tôi, trong con Tàu Trường sa 19 lại gần nhau hơn bao giờ hết. Ở đó, đoàn công tác với 79 con người, mỗi người mỗi tính cách nhưng đều rất chân thành, tình cảm và đoàn kết. Bởi vậy, sau khi bước chân lên tàu mọi người đều thân thiết nhau như người trong một nhà. Những ngày trên biển, chỉ cần nhìn cách mọi người “hợp đồng tác chiến” với nhau cả trong công việc, cũng như những phút giây “quẩy” tưng bừng trên tàu là điều minh chứng rõ ràng nhất.

Quả thực, chuyến công tác dài ngày trên biển, khiến nhiều phóng viên báo chí dù “chân chạy” suốt ngày nhưng vẫn bị “quật ngã” nhanh chóng. Nhiều người trong đoàn vẫn nói, chuyến công tác giống như chúng tôi đang tham gia cuộc thi “vượt lên chính mình”, tìm sự trải nghiệm trong đời, trong nghề... bởi dù đó là một chuyến công tác vất vả, nhưng nó chứa đựng quá nhiều cung bậc cảm xúc của trái tim. Và tôi tin, trong đoàn công tác, không một ai hối hận vì đã quyết định lựa chọn tham gia chuyến đi ấy.

gui nho thuong ve tau truong sa 19
Cabin buồng lái Tàu Trường Sa 19

Bước sang ngày thứ hai về lại Hà Nội và bắt đầu trở lại với công việc thường nhật. Ngồi xem lại các video vui nhộn, chọn ảnh làm bài, đọc lại những dòng lưu bút mọi người ghi vội trong cuốn sổ tay trước khi tôi rời tàu... mà vẫn cảm giác nhớ thương mọi người quay quắt. Người ta vẫn nói, trong cuộc đời này, gặp được nhau là cái duyên. Nếu không có duyên cớ sao gặp gỡ. Với tôi, tôi nghiệm thấy triết lý ấy thật đúng đắn. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của tôi và bạn, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích. Có người tôi chưa bao giờ biết, nhưng vừa gặp thì thấy thân thiện, thấy cảm mếm, quen quen, như thể đã thân nhau tự bao giờ. Quãng thời gian gặp nhau tuy ngắn ngủi nhưng đủ thiện cảm và yêu quý nhau là điều đáng trân trọng. Tôi chỉ mong, khi có dịp quay lại nơi ấy, sẽ được ngủ đúng chiếc giường thân yêu ấy; được gặp lại đông đủ những gương mặt yêu quý ấy; và được ôm, ôm... mọi người thật chặt.

12 ngày trong chuyến hải trình công tác và với tôi là 13 ngày có hơn không quá dài, nhưng cũng đủ để khiến tôi nặng lòng khi chia tay. Dẫu vẫn biết cuộc đời vô thường, hợp mặt rồi chia xa, đó là lẽ tất nhiên của cuộc sống. Nhưng tình cảm chân thành của mọi người khiến tôi không khỏi quyến luyến và thương nhớ. Qủa đúng như những câu thơ nhà thơ Chế Lan Viên từng trải lòng “Khi ta ở chỉ là khi đất ở. Khi ta đi đất cũng hóa tâm hồn” có lẽ là vì thế!

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này