Nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả

14:18 | 17/01/2019
(LĐTĐ) Những năm gần đây, thị xã Sơn Tây đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng chú trọng năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để các xã trên địa bàn phát huy sức mạnh nội lực thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
nhan rong nhung mo hinh kinh te hieu qua Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả
nhan rong nhung mo hinh kinh te hieu qua Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại

Theo tìm hiểu, trước đây năng suất cây trồng trên địa bàn thị xã đạt thấp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, phân tán, nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao…

Từ năm 2017, thị xã Sơn Tây đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2021. Trên cơ sở này, các xã, phường trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung xây dựng mô hình trồng trọt theo vùng, nâng cấp hệ thống kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt đến chăn nuôi…

Theo Hội Nông dân Sơn Tây, hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh và thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Bình quân hàng năm có 60 - 65% số hộ đăng ký phấn đấu, trong đó 60% hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

nhan rong nhung mo hinh kinh te hieu qua

Nuôi gà đang là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thị xã. Ảnh: Luyện Đinh

Từ phong trào thi đua xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi ong xã Kim Sơn, mô hình nuôi bò sữa, bò sinh sản ở Xuân Khanh, Kim Sơn, nuôi lợn ở Cổ Đông, Xuân Sơn, đà điểu ở Thanh Mỹ, làm miến dong ở Cổ Đông…

Đáng chú ý, hiện phong trào thi đua còn khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như giúp về vốn, giống, ngày công lao động, về cách làm ăn. Cụ thể, trong 5 năm, các cấp hội đã vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lượt lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho trên 45.000 lượt hộ nông dân; giúp hơn 800 hộ nông dân thoát nghèo, giúp đỡ 13 hộ hội viên tu sửa nhà đột nát với số tiền 78 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi gà mía của bà Cát Thị Loan – thôn Đông Sàng (xã Đường Lâm) là hội viên của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà mía. Hiện quy mô đàn gà của gia đình bà lên tới 5.000 con với nhiều độ tuổi khác nhau và được gối đầu quanh năm. Hiện giá bán gà trống giao buôn khoảng 90.000 - 95.000đồng/kg, gà mái từ 80.000 - 85.000đồng/kg, tuy nhiên theo bà Loan, dịp Tết giá sẽ nhỉnh hơn đôi chút do nhu cầu tăng. Không chỉ gà thịt tăng giá, gà giống giá cũng cao hơn bình thường. Theo đó, gà trống giá 13.000/con (1 ngày tuổi); gà mái 6.000-7.000 đồng/con.

Thức ăn của gà chủ yếu do gia đình bà Loan tự phối trộn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ và nuôi theo phương thức nuôi thả vườn. Nhờ làm ăn bài bản, khoa học nên doanh thu của gia đình bà đạt 300 - 500 triệu đồng/năm. Với sự chuẩn bị khá chu đáo về con giống, phòng chống dịch bệnh, gia đình bà Loan hy vọng lứa gà dịp cuối năm sẽ phát triển tốt, được giá và tiêu thụ thuận lợi.

Ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây cho biết: Gà Mía đang mở ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đât quê hương cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Nếu như trước năm 2014, tổng đàn gà Mía Sơn Tây khoảng 40.000 con thì đến năm 2018 đã tăng lên 90.000 con. Mỗi năm xuất bán 180 tấn gà lông, doanh thu ước tính 14,4 tỷ đồng/năm.

Sơn Tây đã và đang phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt gần 36 triệu đồng/ năm; 95% hộ dân có nhà kiên cố, khang trang; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 6/6 xã có nhà văn hóa, chợ nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%.

Thị xã cũng đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu gà mía Sơn Tây và mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây. Mô hình thực hiện các hoạt động sản xuất con giống, chăn nuôi gà thương phẩm, gà thịt sơ chế bao gói cấp đông đưa ra thị trường với sản lượng khoảng 90.000 con/năm, gà bố mẹ khoảng 65.000 con/năm, gà thương phẩm khoảng 25.000 con/năm...

Để giúp người chăn nuôi tăng giá trị sản phẩm, tăng quy mô sản xuất và có thị trường tiêu thụ ổn định, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quyết định. Được sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, tháng 4/2017, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây chính thức nhận giấy bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà Mía Sơn Tây” do Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Qua đó góp phần đưa gà Mía trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, phát huy vai trò của cộng đồng, tổ chức trong việc bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà Mía.

Đến thăm một mô hình kinh tế hiệu quả khác với phương cách chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và dịch vụ của gia đình ông Nguyễn Cải - thôn Xóm Chằm (xã Xuân Sơn) mới thấy hết được những giọt mồ hôi, công sức mà ông đã bỏ ra. Trang trại rộng gần 2ha trong đó có trên 2000m2 chuồng trại còn lại là ao cá. Số lợn trong trang trại của ông thường xuyên duy trì trên 800 con cả lợn sinh sản và lợn thịt. Tổng doanh thu nuôi lợn cho thu nhập trị giá 1 - 1,5 tỷ đồng/ năm. Bên cạnh đó, ông còn thực hiện hiệu quả mô hình vườn ao chuồng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm ông thả khoảng 50 triệu tiền cá giống. Doanh thu từ ao thả cá cũng mang về thu nhập trên 150 triệu đồng cho gia đình ông.

Nhờ sự mạnh dạn, sáng tạo, đến nay gia đình ông Cải đã xây được nhà kiên cố, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 -5 triệu đồng/tháng. Có kinh tế, năm nào ông cũng ủng hộ địa phương từ 30 - 50 triệu đồng để xây dựng đường giao thông, trạm y tế góp phần hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Xuân Sơn.

Theo tìm hiểu, hiện công tác nhân rộng các mô hình sản xuất mới trên địa bàn thị xã Sơn Tây còn gặp nhiều hạn chế như: Người dân vẫn còn lúng túng trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hộ rất muốn chuyển đổi sản xuất nhưng không đủ quỹ đất; giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định… Để khắc phục những vấn đề này, thời gian tới, thị xã và các xã, phường sẽ tiếp tục rà soát lại diện tích đất nông nghiệp, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân sản xuất, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn thị xã đang có những hướng đi tích cực, từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương ngày càng phát triển.

Phan Thanh – Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này