Chuyện phố, chuyện phường (Bài 7): Vạn lời cảm ơn!

10:57 | 16/01/2019
(LĐTĐ) Những đêm hè/ Khi ve ve đã ngủ/ Tôi lắng nghe/ Trên đường Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác…”. Hẳn trong tâm trí những ai từng học phổ thông vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước đều nhớ bài thơ này của nhà thơ Tố Hữu.
chuyen pho chuyen phuong van loi cam on bai 7 Chuyện phố, chuyện phường: Rác nhà ra…phố (Bài 6)

Một bài thơ nói về những người công nhân quét rác trên đường phố Thủ đô. Đó là một hình ảnh đẹp. Mà đẹp quá đi chứ. Bạn thử nghĩ mà xem, ví như nếu vào một ngày nào Thủ đô Hà Nội bỗng không có người quét rác. Mà chẳng cần đến một ngày mà chỉ cần vài ba giờ đường phố Hà Nội không được quét dọn vệ sinh thì ôi thôi. Rác ơi là rác. Thật đáng trân trọng công việc của những người công nhân quét rác.

Muôn nỗi người quét đường

Nói về công việc “quét rác” của mình, cô Thanh, người từng có “thâm niên” 5 năm trong nghề, đã nói “Cũng cực và cũng lắm khi nhục lắm bác ạ”. Thôi chết, tôi giật mình “Cực thì đã đành, nhưng sao lại nhục?”. Cô Thanh sau hồi kiểu như hối hận vì mình trót lỡ lời đành phải “lý giải” cho tôi rõ. Thì ra cái nghề quét rác ngoài đường này xưa nay đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu là “làm việc” vào ban đêm. Làm việc vào cái giờ trái khoáy ấy có mấy ai thông cảm cho, nhất là các bà mẹ chồng. Cô Thanh tâm sự “Có bữa gia đình làm giỗ cụ ngoại vào buổi chiều.

Mọi người xúm xụm ngồi ăn ngồi nói chuyện với nhau rôm rả vui vẻ lắm vì thời gian chiều tối cứ gọi là thoải mái giờ giấc thì cháu phải đi làm. Mẹ chồng cháu thấy cháu buông bát đứng dậy và thay bộ đồ lao động thì nguýt với ngẩm. Cháu biết vậy nhưng biết làm sao được. Đến giờ đi làm rồi, mình chậm trễ hay bỏ giờ không những bị trừ lương mà có khi còn bị đuổi việc ấy. Mà bác biết rồi đấy, xin được cái chân quét rác đâu có dễ. Mình lơ mơ là xong luôn”.

chuyen pho chuyen phuong van loi cam on bai 7
Ảnh minh họa.

Chuyện của cô Thanh được nghe vào những ngày cuối năm này mới thấy người công nhân quét rác thật thấm thía. Những ngày lễ hay ngày tết là những ngày bao người được nghỉ, được chung vui bên gia đình, được đi đây đi đó thì những người công nhân vệ sinh lại lặng lẽ cầm chổi ra đường. Khi mọi người áo hoa quần mới tung tẩy du xuân thì những người công nhân vệ sinh lại vẫn chiếc áo bảo hộ lao động có vạch phát quang hì hụi lia từng nhát chổi.

Từng đi chơi trong đêm giao thừa mấy lần nên tôi rất rõ. Đấy mới ban chiều đường phố sạch sẽ tinh tươm đâu ra đấy nhìn mát cả mắt thì chỉ vài tiếng đồng hồ thôi rác đã tràn lan. Lá cây còn xanh nguyên bỗng lả tả bay theo gió, lá ấy là do mấy thanh niên đi đón giao thừa vít cành bẻ lộc. Rồi đủ các thứ giấy cùng các thứ vỏ chai vỏ hộp tung tóe nữa.

Giao thừa linh thiêng đã qua nhưng rác thì ở lại?

Mới trưa mùng Một Tết đã thấy bóng những người công nhân vệ sinh cần mẫn trên phố. Đã nghe tiếng chổi tre loẹt xoẹt loẹt xoẹt. Đấy người đi đón xuân đông vui như vậy thử hỏi mấy cô “quét đường” có thấy “buồn dâng lên mắt hay không?”

Với chiếc chổi tre có cán dài đã từng đi vào thi ca những người công nhân vệ sinh mà đôi khi chúng ta “vô tâm” cứ gọi xưng xưng là mấy cô quét rác. Câu gọi vô tâm ấy dường như đã vượt qua “khuôn khổ vô tâm” để không ngờ trở thành câu nói hay cách gọi thiếu đi sự tôn trọng. Đã biết“lao động là vinh quang” như chúng ta vẫn nói như xem ra người đời còn có thái độ không mấy thiện cảm với một công việc đem lại sự sạch sẽ và gọn gàng cho phố phường Thủ đô.

Cô Thanh cho biết “Có lần chúng cháu đang quét rác thì bị một nhóm thanh niên đang ngồi “trà chanh chém gió” giận giữ bước tới. Mấy cậu to cao bắp tay săm trổ thoạt nhìn chúng cháu đã thấy ngại to tiếng mắng chúng cháu sa sả. Đại ý họ mắng chúng cháu là đồ vô văn hóa. Các bố mày đang ngồi uống nước mà cứ quét với hót làm bụi mù lên thì bố mày nuốt sao nổi chén nước. Chúng cháu hãi lắm tự nháy mắt nhau nhịn đi cho nó lành nhưng mấy cậu thanh niên đó đâu có thôi. Kết cục là chổi tre thì bị bẻ gẫy cán và vứt đi. Rồi, cháu vì cố giằng lại chiếc chổi tre(dụng cụ lao động hay công cụ kiếm sống của công nhân vệ sinh) liền bị “ăn” hai cái tát nẩy đom đóm mắt. “Bác ạ. Nhục lắm cơ”. Đã đành công việc quét rác hiện nay không còn như cái hồi nhà thơ Tố Hữu làm thơ.

Ngày ấy, người Hà Nội không quá đông đúc như bây giờ. Hồi trước phố phường Hà Nội trật tự và vắng hơn bây giờ, rác thải, lá cây rụng cũng ít hơn bây giờ nên việc quét rác thường diễn ra vào ban đêm. Còn bây giờ á? Thoắt tí là lá rụng, thoắt tí là rác bị người đi đường hồn nhiên buông xuống phố. Cô Thanh bảo “Bác tính chúng cháu không quét ban ngày, không thường xuyên quét thì có mà ngập lên ấy”.

Tôi vui vì các cô công nhân vệ sinh cho dù bị mắng, bị bạt tai, bị phá hoại dụng cụ lao động mà lòng vẫn vui, vẫn đầy trách nhiệm giữ gìn vệ sinh đường phố nhưng cũng phải có cách nào hợp hợp chứ?

Nhỏ nhẹ đôi lời

Tôi đem câu hỏi đó hỏi nhiều người. Đa số “chấp nhận hoàn cảnh” bởi theo họ công nhân vệ sinh là những người vất vả. Nhưng cũng có người lên tiếng nặng nề kèm theo gay gắt. Những người đó cho rằng đúng là đã có quy định về thời gian thời điểm quét rác và thu dọn rác nhưng công việc này cũng đã được giao khoán rồi. Mà đã là giao khoán rồi thì tranh thủ mà làm để còn “xong sớm về sớm” thời buổi này ai dại gì chấp hành nghiêm túc cho nó khổ.

Chính vì vậy mà nhiều công nhân vệ sinh quét rác bất kể thời điểm nào, hoàn cảnh nào. Mà đường phố Hà Nội thì còn lạ gì nữa, ăn uống sì sụp ngay giữa đường phố, rồi đường phố đang chật cứng người qua lại…Khi ấy mà quét rác bụi thì kể ra cũng bất tiện và mất vệ sinh thật. Đã có nhiều trường hợp xảy ra những xích mích giữa người dân với công nhân vệ sinh cũng từ nguyên nhân này.

Có cách nào không nhỉ? Tôi đem câu hỏi ấy để hỏi trực tiếp mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh đang quét rác thì nhận được câu trả lời “Chúng cháu cũng thấy băn khoăn lắm chứ nhưng chú tính đồng lương hạn hẹp nên chúng cháu phải tranh thủ làm cho xong nhiệm vụ để còn có thời gian phụ giúp gia đình, phụ giúp chồng con chứ”. Vậy đó, chuyện “đầu tiên” xem ra cũng có “tác động” đến công việc. Có người nghe nói thế thì nói luôn “Tăng thêm lương cho họ”. Ôi nói tưởng dễ hóa ra không dễ. Đã có định mực rồi nên không thể tùy tiện tăng hay giảm. Mà giảm thì dễ bởi có hình thức “phạt” rồi nhưng tăng thì hình như chưa có cụ thể nào.

Vậy cách nào đây? Theo tôi thì từng tổ, từng đội vệ sinh nên xác định đường phố nào, tuyến phố nào, lối ngõ nào để xây dựng kế hoạch quét rác cụ thể. Ví dụ như những đường phố tuyến phố nào có thể việc quét rác được tiến hành vào thời điểm nào?Ví dụ như khi tiến hành quét rác nên tính đến thời điểm đường phố đó đang lúc có nhiều người cùng phương tiện qua lại hay thưa vắng? Cách tính này cho phép việc quét rác được thuận lợi vì không vướng người vướng xe và vướng luôn cả chuyện người hàng phố đang tụ tập đông đúc. Cũng cần lắm ở đây sự tinh tế, sự ý tứ của người công nhân vệ sinh trong khi đang làm lao động công ích, nghĩa là phải tính tới thời điểm người dân hàng phố đang có những sinh hoạt gia đình hay sinh hoạt công cộng.

Vâng, tinh tế và ý tứ cũng cần lắm và những người công nhân vệ sinh hãy thử đặt mình vào cư dân hàng phố xem sao. Tôi tin rằng khi đó họ sẽ thấy khó chịu bởi những tiếng chổi tre quét rác vang lên không đúng giờ đúng lúc. Và mỗi người hãy xây dựng một thái độ tôn trọng việc làm và sức lao động của công nhân quét rác, những người không quản ngại ngày đêm, mưa nắng làm đẹp phố phường.

Mong lắm mọi người cùng chung tay vì một môi trường thành phố trong sạch về mọi phương diện, đúng với ý nghĩa và tôi lại ngân nga “Tiếng chổi tre? Chị quét/ những đêm hè/ đêm đông gió rét/ sớm tối/ đi về/ giữ sạch lề/ đẹp lối/ em nghe”. Tôi muốn nói hàng vạn lời cảm ơn tiếng chổi tre ấy.

Nguyễn Trọng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này