Bánh gio Đắc Sở, đậm hồn vị quê hương

16:19 | 05/01/2019
(LĐTĐ) Nghề làm bánh gio có truyền thống từ lâu đời ở xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội), theo đó cứ vào dịp Tết Nguyên đán, mọi gia đình trong xã đều cùng nhau làm bánh gio để cúng tổ tiên và thưởng thức.  
banh gio dac so dam hon vi que huong Hạ Mỗ - Hà Nội: Độc đáo tục làm bánh gio
banh gio dac so dam hon vi que huong Bánh gio, hương vị quê nơi thành thị

Theo người dân trong xã, bánh gio là loại bánh truyền thống được làm từ những sản vật nông nghiệp, điều đặc biệt làm nên thương hiệu cho loại bánh gio của làng là bởi vị thanh mát khác hẳn bánh ở những vùng miền khác.

banh gio dac so dam hon vi que huong
Để cho ra những chiếc bánh ngon phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ, mỗi công đoạn cần có độ chính xác nhất định (Ảnh: P.N)

Trước kia, nghề làm bánh gio bắt nguồn từ xã Đắc Sở, sau đó nghề được truyền sang các xã lân cận. Thời đó, hầu hết các hộ dân trong làng đều làm bánh để bán ra thị trường nhưng ngày nay làm bánh đem lại lợi nhuận thấp hơn làm nông nghiệp, trồng cây ăn quả bởi lẽ đó ở làng số hộ sản xuất bánh để bán còn lại rất ít.

Chia sẻ về cách làm loại bánh này, ông Nguyễn Huy Sơn (người sản xuất bánh với số lượng lớn cung cấp ra thị trường) cho biết, mặc dù cũng được làm từ gạo nếp nhưng bánh gio lại có cách làm hoàn toàn khác với các loại bánh hiện nay. Bánh được làm từ gạo nếp, sau đó đem ngâm với nước gio khi đủ thời gian thì được đem luộc.

banh gio dac so dam hon vi que huong
Với sự công phu, tỉ mỉ đó, tạo nên sự khác biệt rất riêng cho bánh gio Đắc Sở (Ảnh: P.N)

Với những công đoạn nghe tưởng chừng khá đơn giản nhưng để làm ra được chiếc bánh gio ngon đúng vị thì cần quá trình chuẩn bị, làm bánh khá công phu và tỉ mỉ, mỗi công đoạn cần có độ chính xác nhất định. Bắt đầu từ công đoạn tạo nước tro, ngâm rửa lá rong, ngâm gạo đến gói bánh và luộc bánh, nhưng quan trọng nhất là khâu làm nước tro và ngâm gạo.

Cứ vậy, ngâm gạo sao cho đủ quy định, thay nước như thế nào để khi luộc bánh không nát, cho ra những chiếc bánh dẻo thơm,... là những bí quyết được người làm bánh gio ở nơi đây gìn giữ từ bao đời. Gạo được chọn làm bánh là loại gạo nếp cái hoa vàng, không lẫn tẻ bởi lẽ nếu làm bánh chỉ lẫn chút ít gạo tẻ, bánh khi đó sẽ không còn vị dẻo thơm, ngon ngọt vốn có.

Theo những người dân trong làng, công đoạn quan trọng để tạo nên màu nâu vàng, phảng phất hương vôi, cùng với vị ngọt thơm mát đặc trưng của bánh là từ vỏ, quả thầu dầu, vỏ bưởi, cây vừng được đem đốt thành tro. Thứ tro ấy được người dân trộn đúng liều lượng với nước vôi theo tỷ lệ nhất định và sau đó gạo được ngâm trong loại nước này khoảng từ 5-7 giờ.

banh gio dac so dam hon vi que huong
Những chiếc bánh được gói cẩn thận trước khi đun 5-6 giờ (Ảnh: P.N)

Chẳng những vậy, lá dong được chọn là những lá tẻ tươi xanh, to bản và lành lặn, rửa sạch được đem luộc cho phai bớt mùi hăng rồi lau thật khô trước khi gói. Gạo để vào lòng chiếc lá phải gọn, đều, rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, cân đối để chiếc bánh chín bóc ra vừa có độ thơm, dẻo và còn bắt mắt.

Bánh gio nơi đây được gói với nhiều hình dáng khác nhau như: hình vuông, hình trụ (giống bánh giò) hay gói dài (như bánh tẻ),… Điều đặc biệt, từ xưa người ta vẫn thường dùng mật mía để ăn kèm với bánh gio. Với vị ngọt nhẹ và thơm tự nhiên của mật mía hòa quyện cùng hương thơm, vị dẻo của gạo nếp đã tạo nên một hương vị đặc biệt và trở thành nỗi nhớ riêng của người dân Đắc Sở trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

H. Nguyễn - P. Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này