Hà Nội trong tôi

15:30 | 04/01/2019
(LĐTĐ) Chưa đến Tết mà không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường Hà Nội. Chỉ cần dạo một vòng quanh phố cổ là đã cảm nhận được mọi cung bậc cảm xúc về một cái Tết đang đến gần. Hà Nội những ngày giáp tết thường cạnh cóng, nhưng điều đó mới khiến Hà Nội trở nên đặc biệt mỗi khi Tết đến, xuân về.
ha noi trong toi Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón chờ những thời cơ, vận hội mới

Hà Nội đặc biệt lắm! dưới những hàng cây giăng mắc đèn lồng đỏ rực rỡ, những đóa hoa sen kết hồng trên cột điện dọc khắp các con phố, hay đèn điện giăng khắp thân cây cổ thụ dọc Hồ Gươm, phố Ha Bà Trưng, Phan Đình Phùng… không khí Tết cứ thế đến, len lỏi vào từng nhành cây, mặt nước, sương mai và trong không khí, trong hơi thở phập phồng của Hà Nội.

Hà Nội là đâu đó trên từng góc phố, những em bé xinh xắn, những cô người mẫu mặc áo dài thướt tha, những thanh nam thiếu nữ đứng tạo dáng chụp ảnh bên những gốc cây cổ thụ già; Hà Nội là cảnh mua sắm nhộn nhịp trong phố cổ, Hàng Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào… trẻ em háo hức mua quần đẹp áo mới, người lớn sắm sửa đồ lễ, mâm ngũ quả. Hà Nội là những du khách nước ngoài khoác ba lô nắm tay nhau đi dạo bên đài phun nước Hồ Gươm trong cái thanh bình của mùa xuân phảng phất. Là anh lái xích lô guồng chân đạp dưới hàng cây lá đỏ đang thả rơi từng chiếc lá xuống vỉa hè một trưa hửng nắng…

ha noi trong toi
Ảnh minh họa. (vietnamplus.vn)

Mùa Xuân, Tết đến, những đình chùa cổ Hà Nội lại lảng bảng khói hương. Người già, người trẻ, những cô cậu học trò cũng đi lễ chùa, xin cho năm mới những điều an lành, hạnh phúc. Vào những ngày cuối năm, các ngôi chùa cũng tất bật sửa sang, làm mới để chuẩn bị cho việc đón khách đêm giao thừa và những ngày đầu xuân. Đâu đó, những mái nhà cổ kính rợp bóng hoa đào cũng khiến Hà Nội trở nên ấm áp hơn trong những ngày đầu xuân. Tết đang dần đến trên từng nụ hoa, từng nồi bánh trưng bốc mùi thơm phức từ góc phố nào đó…

Hà Nội đặc biệt lắm, chưa đến Tết mà đã có những buổi sum họp gia đình, những cụ ông chăm lo cho bàn thờ tổ tiên, cụ bà đon đả bánh trái với bầy trẻ con, những cô dâu, chàng rể ra chợ hoa ôm từng bó về cắm trong nhà, trên bàn thờ tỏ lòng hiếu nghĩa. Cái không khí Tết lúc nào cũng về sớm trong từng mái nhà, từng con ngõ, nơi những người con xa Hà Nội khấp khởi tìm về với Tết. Những cảnh dân dã mà thanh tao của người Hà Nội được thể hiện rõ nét nhất trong cái Tết cổ truyền, khiến cho ai đi đâu cũng thấy xốn xang mỗi độ xuân về.

Mười năm trở lại đây, Tết Hà Nội có khác, bởi những vùng đất Xứ Đoài được tụ lại, hòa chung không khí Tết với vùng đất Tràng An. Hai nền văn hóa gần gũi giao thoa lại càng khiến cho tết Hà Nội trở nên đa dạng, mang đậm dấu ấn cổ truyền.

Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng. Dù Hà Nội giờ đã mở rộng hòa chung nền văn hóa với những vùng lân cận, nhưng những yếu tố cốt lõi làm nên văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến vẫn trường tồn. Cái cảm nhận về Hà Nội lại càng rõ nét trong văn hóa giao tiếp, lễ nghĩa mỗi khi Tết đến.

Từ ngàn xưa, người Tràng An đã có nếp sống “có lịch có lề”. Đó chính là truyền thống văn minh - văn hiến ngàn năm trong thế ứng xử. Nét Tràng An ấy được khắc họa qua hình ảnh người Hà Nội đầy văn hóa, tạo nên bức tranh về Hà Nội với những nét khắc họa đẹp từ cách ăn nói, ứng xử cho đến cách mà người Hà Nội trò chuyện với nhau nhẹ nhàng, lễ phép, kính nhường. Có lẽ chính bởi vậy, dù 10 năm qua, Hà Nội đã chia sẻ nền văn hóa của mình với những con người ở vùng đất ngoại thành, hòa nhập với nền văn hóa chung nhưng cho đến nay, Hà Nội vẫn thế, lặng lẽ, êm đềm trong dòng chảy dịu dàng thanh lịch của cuộc sống.

Có thể nói, cái nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Tràng An thể hiện rõ nét nhất trong ngày Tết. Dạo gần đây, nhiều người lo lắng Hà Nội đang mất dần nếp văn hóa thanh lịch quý giá trong truyền thống, nhưng đó chỉ là cái nhìn một chiều, bởi văn hóa Hà Nội là sản phẩm tích tụ lâu đời không dễ hiển hiện nhưng cũng không dễ mất đi được. Trong những năm gần đây, người Hà Nội có xu hướng quay lại truyền thống lễ Tết xưa như luộc bánh trưng, đón giao thừa tứ đại đồng đường. Nếp xưa vẫn còn nguyên đó, mỗi khi xuân về, Tết đến vẫn lung linh hồn cốt người Hà Nội.

Không chỉ là những phong tục lễ Tết truyền thống, đi lễ chùa cũng là một nét văn hoá trong đời sống tâm linh người Tràng An. Ngày nay, dường như người trẻ đi lễ chùa nhiều hơn, bởi họ càng ngày càng nhận thức được giá trị văn hóa tâm linh từ ngàn xưa để lại. Trước đây, chỉ có các bậc cao niên và trung niên, chủ yếu là phụ nữ đi chùa. Bây giờ rất đông tầng lớp thanh niên cũng đi chùa, cũng trang nghiêm, thành kính không kém các bà, các mẹ, các chị. Ngoài cầu xin được may mắn trong học hành, trong công việc, kinh doanh, cho công thành danh toại… họ còn cầu cho được tốt lành trong đường tình duyên đôi lứa.

Lại nói đến chuyện đi chúc Tết, cho đến nay nhiều gia đình Hà Nội gốc vẫn giữ nguyên tập tục “Mồng Một tết Cha, Mồng Hai tết chú, Mồng Ba tết Thầy”. Ngoài họ hàng, ngày Tết mọi người đều cố gắng tranh thủ đến nhà hàng xóm, láng giềng, bè bạn, đồng nghiệp để thăm hỏi, chúc Tết nhau. Nhiều mối bất hoà, nhờ ngày Tết mà có dịp giãi bày thông cảm, xí xoá cho nhau, những mong năm mới mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đó là một nét đẹp mà dù đi đâu Hà Nội cũng vẫn ghi đậm dấu ấn trong mỗi người đã trót yêu, trót đặt trọn niềm vào Hà Nội.

Cuộc sống đang trôi theo một dòng chảy không ngừng. Đất trời, con người cũng cuốn theo dòng chảy ấy, nhưng Hà Nội vẫn mãi là Hà Nội trong trái tim của đất nước, của những con người Hà Nội. Lại một mùa xuân nữa đang về với Thủ đô, với cả nước, mang bản tình ca hòa điệu giữa đất trời và con người. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người dường như tràn đầy sức sống như bức tranh đầy màu sắc.

Thong dong từng bước dạo phố ngắm nhìn khung cảnh mùa xuân Hà Nội, trong lòng chợt nghĩ, chẳng bao giờ ta có thể rời xa mảnh đất nghìn năm văn hiến này… bởi Hà Nội luôn ở trong trái tim ta.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này