Sơn mài Hạ Thái: Hấp dẫn nhưng kén người mua

11:36 | 02/01/2019
(LĐTĐ) Làng Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng làm tranh sơn mài nổi tiếng khắp cả nước. Dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét đẹp của làng quê Việt Nam.   
tinh hoa son mai ha thai Độc đáo tranh sơn mài hầu đồng “Giá thánh”
tinh hoa son mai ha thai Hà Nội phối hợp xây dựng Hồ sơ đa quốc gia Nghệ thuật Sơn mài trình UNESCO

Theo các cụ trong làng, nghệ thuật sơn mài có ba điều kén, đó là kén người làm, kén người xem và kén người mua.

Kén người làm bởi lẽ muốn cho ra sản phẩm chất lượng phải trải qua một quy trình phức tạp nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, yêu nghề.

Kén người xem vì không phải ai cũng nhìn thấy được cái đẹp, cái kỳ công trong từng tác phẩm. Từ lẽ đó dù tranh được đánh giá cao bởi tính mỹ thuật và tính truyền thống kết tinh trong mỗi sản phẩm nhưng do giá thành cao nên sơn mài bất đắc dĩ trở thành mặt hàng kén người mua.

tinh hoa son mai ha thai
Tranh sơn mài của làng ngày nay vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng (Ảnh: N.H)

Trước đây, những người thợ thủ công ở làng Hạ Thái chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thiếp vàng, chủ yếu dùng các loại sơn ta với cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Dòng sơn ta là dòng tranh truyền thống, chất liệu sơn bền hơn các chất sơn hiện đại, mặc dù giá trị tranh rất cao từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu một bức.

Nghề làm sơn mài lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện.

Một bức tranh đẹp là khi ngắm sản phẩm được hoàn thành, người xem phải cảm nhận sự óng ánh của màu sắc, sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết để qua đó thấy được sự công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái vang xa trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại cho cuộc sống người dân nơi đây sự đổi thay rõ rệt.

Bà Vũ Lệ Dung (chủ cơ sở tranh sơn mài truyền thống) cho hay: Tranh sơn mài truyền thống khác hoàn toàn với tranh phun máy. Tranh truyền thống là loại tranh mài da, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, từ chuẩn bị phôi tranh, bước vẽ và lên màu chỉ có phun phủ bóng được làm bằng máy, theo đó làm tranh tay đẹp hơn bằng máy rất nhiều, làm máy chỉ là phun chất liệu sơn, mạ màu.

tinh hoa son mai ha thai
Tranh sơn mài ở nơi đây thể hiện được cái hồn và nghệ thuật trong mỗi bức tranh (Ảnh: N.H)

Theo bà Dung, tranh vẽ bằng tay thể hiện được cái hồn và nghệ thuật trong bức tranh, những người yêu tranh sẽ nhận định được điều đó. Những dòng tranh làm máy độ bền không cao, để lâu sẽ bị bám bụi và bay màu, dòng tranh làm máy hay còn gọi là tranh hàng chợ giá thành rất rẻ chỉ vài trăm nghìn 1 bức to, những bức có cùng kích cỡ với nhau nhưng dòng tranh tay cao gấp 5 - 6 lần.

Tuy vậy, ngày nay do thời buổi kinh tế thị trường, đầu ra khó khăn, nhu cầu mua tranh không còn nhiều nữa. Theo đó, ở Hạ Thái, tranh sơn ta cổ truyền của hợp tác xã sơn mài xưa, số người làm còn rất ít. Mọi người làm tranh truyền thống nhưng bằng sơn Nhật, sơn cánh dán.

“Người thật sự của làng làm tranh giờ chỉ “đếm trên đầu ngón tay” chủ yếu mọi người đã chuyển sang làm các đồ thủ công mỹ nghệ khác. Một số người làm tranh ở đây là những họa sĩ từ nơi khác đến, họ thuê hoặc mua đất ở đây để mượn danh tiếng của làng, bám vào làng mà sống. Họ làm theo gam và cách vẽ của họa sĩ, nhưng dựa vào làng làm khâu vóc ban đầu (phôi tranh) bởi chỉ làng nghề mới làm được và họ thuê làng nghề phủ bóng”, bà Dung cho hay.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này