Hà Nội: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các làng nghề truyền thống

20:41 | 20/12/2018
(LĐTĐ) Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết Kỷ Hợi 2019. Hiện tại các làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, miến, thực phẩm... ở Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, có một thực tế, càng đến gần Tết, các vụ ngộ độc thực phẩm lại gia tăng. Tình hình vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều diễn biến phức tạp và trở thành mối lo của người tiêu dùng.
ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong Xã Cộng Hòa: Chú trọng phát triển tiêu chí Môi trường
ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong Tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Trước thực tế đó, chiều 20/12, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý, giám sát vệ sinh, ATTP tại các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội dịp cuối năm 2018”.

ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong
Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức trả lời tại buổi trực tuyến. (Ảnh: HNM).

Được biết, ngoại thành Hà Nội và nhất là huyện Hoài Đức là nơi có nhiều làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống và thời điểm áp Tết cũng là lúc các làng nghề hoạt động hết công suất để sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Đáng nói là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở các huyện là nhỏ và lẻ. Vậy công tác quản lý, giám sát vấn đề vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh tư nhân ở các làng nghề được thực hiện như thế nào là điều khiến nhiều người quan tâm.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Hoài Đức có nhiều làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh liên quan tới sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 10.000 hộ sản xuất kinh doanh, trong đó liên quan tới nông sản thực phẩm có gần 2.500 hộ. Sản lượng thực phẩm huyện Hoài Đức cung cấp cho thị trường Hà Nội và vùng lân cận rất lớn. Lĩnh vực chế biến và sản xuất thực phẩm đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của huyện, đóng góp cho ngân sách và giúp giải quyết việc làm cho 44.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện lĩnh vực này vẫn gặp một số khó khăn như không có địa điểm sản xuất tập trung trong khi nhu cầu sản xuất lớn. Phần lớn các hộ sản xuất nhỏ lẻ đang hoạt động kinh doanh ngay tại nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát ATTP. Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đáp ứng xu thế hội nhập, UBND huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP… Hàng năm, huyện đều rà soát thống kê, đánh giá, phân loại và cập nhật các cơ sở dừng sản xuất và các cơ sở mới đi vào hoạt động.

Ông Đỗ Đức Trung cũng cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với huyện mở nhiều lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP dưới hình thức lớp tập trung, tập huấn cho các xã đặc thù hoặc mở lớp riêng cho các tiểu thương.

Huyện đã cụ thể hóa và tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tập huấn về kiến thức, cấp phép kinh doanh, cấp phép cơ sở đủ điều kiện. Với những cơ sở sản xuất nằm trong hộ sản xuất gia đình, việc cấp phép và hậu kiểm là hết sức quan trọng.

Huyện cũng đã thực hiện tốt việc giám sát thường xuyên, định kỳ và tăng cường kiểm tra. Năm 2018, tại tuyến xã đã kiểm tra đối với 1.356 cơ sở, nhắc nhở 358 cơ sở liên quan đến điều kiện ATTP; tuyến huyện kiểm tra 675 cơ sở... "Hoài Đức là địa bàn tập trung nhiều kho tàng, bến bãi là nơi chung chuyển thực phẩm lớn nên huyện đã tăng cường giám sát, phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong phát hiện vận chuyển hàng hoá chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ" - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết.

Được biết, đối với huyện Hoài Đức nói riêng và TP Hà Nội nói chung, từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương. Qua đó, triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; đồng thời, triển khai kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên địa bàn.

ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế. (Ảnh: HNM).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra là 1 trong 4 nội dung trọng tâm trong kế hoạch tổ chức triển khai hàng năm, TP Hà Nội tổ chức rất mạnh nội dung này. Những năm gần đây, công tác này đã giúp công tác vệ sinh ATTP có bước chuyển biến tích cực.

Năm 2018, Hà Nội cho thanh tra thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã phường. Sau khi thực hiện thí điểm 1 năm, công tác triển khai có những bài học và kết quả rõ rệt như: Sự vào cuộc của hệ thống chính quyền; hệ thống thông tin tuyên truyền được tăng cường; xử lý nhanh các vụ việc, vì vậy trên các địa bàn được cho là “điểm nóng” không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Trần Văn Chung, ngày 26/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 07 về triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố trong đó tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai trên 100% xã, phường tại các địa bàn quận, huyện. Vì thế, năm 2019, TP Hà Nội sẽ tiến hành tại 30 quận huyện, thời gian sẽ bắt đầu từ ngày 10/7/2019. Theo đó, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thành lập đội thanh tra liên ngành triển khai tại tất cả địa phương trên địa bàn thành phố.

Đợt tới TP Hà Nội sẽ đánh giá cống tác năm 2018 và triển khai năm 2019, cũng sẽ thực hiện tổ chức triển khai nội dung này. Ông Trần Văn Chung nhấn mạnh, để công tác này thực hiện được, cần sự vào cuộc, chỉ đạo chặt chẽ của Ban chỉ đạo ATTP của các quận, huyện; sự tham gia của các ban ngành; tuyên truyền để người dân biết, lựa chọn thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm bẩn.

ha noi tang cuong quan ly an toan thuc pham tai cac lang nghe truyen thong
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh phát biểu kết thúc tọa đàm. (Ảnh: HNM).

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết, buổi tọa đàm trực tuyến “Quản lý, giám sát vệ sinh, ATTP tại các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội dịp cuối năm 2018” đã giúp độc giả của Báo Hànộimới và khách mời dự tọa đàm hình dung được bức tranh khá tổng thể về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của cả nước nói chung cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

Mặt khác, tọa đàm cũng góp phần kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm ATTP tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới hy vọng, sau tọa đàm, độc giả sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực ATTP. Bên cạnh đó, tại tọa đàm này còn có sự tham gia của gần 20 cơ quan báo, đài của trung ương và Hà Nội sẽ góp phần cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này