Đào tạo nghề nông thôn ở huyện Thường Tín giúp giảm nghèo

11:01 | 02/12/2014
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Thường Tín được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Số lượng lao động đào tạo nghề tăng đều hàng năm. Các ngành, nghề đào tạo, nhất là lao động học nghề nông nghiệp đã phát huy, vận dụng kiến thức trong lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống góp phần giảm nghèo.

Từ tháng 6/2011 đến 31/10/2014, UBND huyện Thường Tín đã tổ chức 8 hội nghị triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể huyện về công tác dạy nghề. Chỉ đạo đài phát thanh huyện mở chuyên mục và tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện và triển khai thực hiện quyết định 1956/CP với tổng số 102 buổi phát thanh. Đài truyền thanh các xã, thị trấn, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh trên 1.200 buổi. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị, triển khai đến ban ngành đoàn thể trong xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề đầu năm và tổ chức các hội nghị tổng kết công tác dạy nghề cuối năm. Qua 4 năm thực hiện, 29 xã, thị trấn đã tổ chức trên 230 hội nghị về công tác đào tạo nghề. Tổ chức phát trên 25.000 tờ rơi đến tay người dân tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền và tuyển sinh lao động học nghề cho trên 10.000 đối tượng trong độ tuổi lao động.

Công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai. Có 19.821 đối tượng trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, trong đó có 8.174 đối tượng có nhu cầu học nghề nông nghiệp, 8.692 đối tượng có nhu cầu học nghề phi nông nghiệp và 2.955 đối tượng có nhu cầu học nghề trong lĩnh vực dịch vụ. Kinh phí khảo sát điều tra nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn năm 2010 là 67 triệu đồng. Mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện là nghề trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, nuôi cá thương phẩm và một số nghề phi nông nghiệp như: hàn điện, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn…

Trồng rau an toàn, một trong những mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong 4 năm qua, huyện đã phối hợp với các trường, các trung tâm dạy nghề tổ chức 115 lớp dạy nghề cho 3.992 lao động. Trong đó số lao động nông thôn thuộc đối tượng 3 được học nghề theo chính sách đề án 1956 đạt 44,35% so với kế hoạch 5 năm của đề án. Đã có 28/29 xã, thị trấn mở lớp học nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Sau khi đào tạo nghề, lao động có việc làm ngay và ổn định cuộc sống trên chính ruộng đất của hộ gia đình. 2.265 lao động nông thôn đã có việc làm sau khi đào tạo nghề, đạt 100%. Đối với công tác đào tạo các ngành phi nông nghiệp, có 1.727 lao động nông thôn được đào tạo. Trong đó có trên 22% lao động đã được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhận vào làm và 78% số học viên còn lại tự tìm việc làm cho bản thân ở các cơ sở sản xuất, các HTX và làng nghề tại địa phương.

V.G

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này