Nhiều mô hình hiệu quả chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động

19:32 | 14/12/2018
(LĐTĐ) Chiều nay (14/12), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động” với sự tham gia của các doanh nghiệp được tôn vinh trong Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" năm 2018.
Vinh danh 60 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Samsung Việt Nam nói về chính sách đối với lao động nữ
Trao bằng khen cho 30 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động

Chủ trì tọa đàm có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"; ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH; bà Vũ Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động.

Nhiều mô hình hiệu quả chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" phát biểu tại buổi tọa đàm

Tham dự toạ đàm còn có các chuyên gia về lao động; đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, cán bộ công đoàn cơ sở cùng đại diện 60 doanh nghiệp được xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2018.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu gửi lời cảm ơn tới đại diện các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, chuyên gia đã đồng hành với Tổng LĐLĐ Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong vấn đề chăm sóc, đảm bảo phúc lợi cho người lao động.

“Chúng tôi mong muốn chủ doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm đã làm tốt để chúng ta hướng tới việc doanh nghiệp mỗi ngày sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động. Đây cũng là dịp để người lao động nói lên tiếng nói của mình về vấn đề thực hiện phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tham luận về phúc lợi cho người lao động. Theo bà Lan, xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của người lao động, và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương như BHXH, BHYT, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, du lịch, nghỉ mát, thể dục, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của người lao động...

Nhiều mô hình hiệu quả chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động
Quang cảnh buổi tọa đàm

“Việc thực hiện phúc lợi cho người lao động mang lại nhiều lợi ích như: Người lao động có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động. Người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc”, bà Lan nhấn mạnh.

Từ góc độ của tổ chức, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách Kinh tế xã hội, thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thông tin về tình hình thực hiện phúc lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp và sự tham gia của tổ chức Công đoàn, nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Cụ thể, từ năm 2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, thiết thực nhằm chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh việc chăm lo tốt nhất phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Cụ thể như Nghị quyết số 7c, năm 2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đề xuất với Thủ tướng phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất”.

Đặc biệt, thực hiện chương trình “Vì lợi ích đoàn viên” được khởi động từ đầu năm 2017, đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỉ đồng...

Tại buổi tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp như Samsung Việt Nam, Changshin Việt Nam (Đồng Nai), Công ty dược phẩm Tâm Bình, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1 (Phú Thọ), Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên... đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm cụ thể để chăm lo phúc lợi tốt hơn cho người lao động tại công ty.

Ông Um Sung Wook - Giám đốc An toàn môi trường sức khỏe Công ty Changshin Việt Nam (Đồng Nai) cho biết: Tại Changshin, giá trị cốt lõi của công ty là tin tưởng và tôn trọng con người. Theo đó, Công ty tập trung nhiều vào vấn đề con người, coi con người là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Sau 23 thành lập, Chansin Việt Nam hiện có hơn 30.000 lao động, với mục tiêu trở thành một công ty hạnh phúc và người lao động của công ty cũng hạnh phúc.

Nhiều mô hình hiệu quả chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động
Ông Park Sung Geun - Phó Tổng Giám đốc Hành chính – nhân sự, đối ngoại Samsung Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm

Tại Samsung Việt Nam, ông Park Sung Geun - Phó Tổng Giám đốc Hành chính – nhân sự, đối ngoại Samsung Việt Nam cho biết, thời gian qua, Samsung đã thực hiện rất nhiều chính sách để chăm lo cho người lao động.

“Triết lý kinh doanh của Samsung là coi trọng con người. Bởi chúng tôi quan niệm để làm được những sản phẩm tốt thì người lao động phải được làm việc trong môi trường tốt. Để làm được điều này, chúng tôi luôn đẩy mạnh sự đoàn kết, đồng lòng, người lao động coi nhau như người trong một gia đình để có sự đồng tâm nhất trí” - ông Park Sung Geun chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1 (Phú Thọ), bà Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Công đoàn Công ty đã chia sẻ những kinh nghiệm của đơn vị trong việc thực hiện đối thoại chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo bà Lan, Công ty có hòm thư góp ý, đón nhận tất cả các ý kiến của người lao động. Ngoài hòm thư, mỗi tháng Công đoàn Công ty còn thực hiện những phiếu khảo sát theo từng chủ đề, như bữa ăn ca, chế độ tiền lương cho người lao động… Sau khi lấy ý kiến nhân viên, Công đoàn sẽ có những góp ý với chủ sử dụng lao động...

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao các ý kiến của đại biểu là chuyên gia, chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn đưa ra trong buổi tọa đàm.

Ghi nhận những chia sẻ của các doanh nghiệp về cách làm hay, thiết thực vì lợi ích đoàn viên và người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Đây đều là những chính sách hết sức nhân văn, vì con người. Điều này đúng như quan điểm của Đảng - đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, cho tương lai và đầu tư có lãi nhất.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này