38 triệu lao động sẽ được hưởng lợi

16:03 | 02/12/2014
Nếu dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sửa đổi được thông qua, sẽ có thêm hơn 60% lực lượng lao động (khoảng 38 triệu người) đang làm việc tự do, trong ngành nông nghiệp, làng nghề… được đảm bảo lao động trong môi trường an toàn, cũng như được hưởng chính sách khi bị tai nạn, mắc bệnh nghề nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện nay mới chỉ có gần 40% lực lượng lao động (những người có quan hệ lao động – tức là người có ký hợp đồng lao động) được quan tâm đến vấn đề ATVSLĐ. Còn lại, hơn 60% lực lượng lao động làm việc tự do, trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề… đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tai nạn, ô nhiễm. Và dự thảo Luật ATVSLĐ sửa đổi sẽ góp phần “lấp chỗ trống” cho phần thiếu sót trên.  

Theo nhiều đại biểu quốc hội, việc mở rộng đối tượng trong dự thảo Luật ATVSLĐ sửa đổi lần này là một chủ trương đúng, nhân văn và cần sớm đưa vào thực tế. Bởi, Hiến pháp đã quy định: “Mọi công dân được làm việc công bằng và làm việc trong môi trường an toàn”. “Xem truyền hình, thấy các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo luật ATVSLĐ, tôi vô cùng vui mừng. Bởi, đặc thù công việc của tôi thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếp xúc với bụi, sơn, hóa chất nên nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao. Nếu dự thảo được thông qua, chúng tôi không chỉ được tuyên truyền lao động an toàn, môi trường làm việc được đảm bảo, có phương pháp phòng tránh tai nạn, bệnh tật mà còn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình khi không may mắc bệnh. Đây là chính sách đúng và cần làm ngay”, anh Trương Văn Đỉnh, một thợ thủ công trong làng tạc tượng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Tân, một nông dân ở Vân Côn, Hoài Đức phấn khởi: Không chỉ tôi mà những người làm nông nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, nước ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Và thực tế đa phần người nông dân chưa thực hiện đúng thao tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nên tình trạng mắc bệnh rất nhiều. Nếu được nhà nước quan tâm, người dân rất vui mừng. Nếu có luật cụ thể, được nhà nước hỗ trợ một phần, tôi sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ, tham gia đầy đủ việc đóng quỹ bảo hiểm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Số tiền phải đóng ít, nhưng cái lợi trước mắt và lâu dài thì lớn…”.

Người lao động khu vực nông thôn sẽ được đảm bảo môi trường lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, một cai thầu xây dựng: “Mặc dù đã được chủ đầu tư quan tâm, tuyên truyền nhắc nhở cho công nhân thực hiện đúng công tác ATVSLĐ, tuy nhiên rủi ro tai nạn luôn rình rập. Đã không ít thợ xây dựng bị TNLĐ và do không có hợp đồng lao động nên chỉ chủ thầu ra lo liệu, chủ đầu tư thì “bồi thường” một ít tiền theo thỏa thuận với gia đình gọi là “không may xảy ra sự việc”. Là người trung gian, tôi thấy, quyền lợi của công nhân như vậy chưa được đảm bảo. Nếu có luật cụ thể thì công nhân chính là những người được hưởng lợi trực tiếp…”.

Thực tế lợi ích mà dự thảo Luật ATVSLĐ sửa đổi đem lại cho người không có quan hệ lao động là rõ ràng. Tuy nhiên, liệu dự thảo có được thông qua, và nếu thông qua thì liệu có khả thi hay không khi nhà nước chưa có một quy định cụ thể?. Đó cũng là trăn trở của nhiều người. Bởi thực tế, khi luật được áp dụng sẽ cần cả một bộ máy để thực hiện. Như vậy, bộ máy chính quyền, số lượng biên chế sẽ “phình to”, trong khi đó nguồn ngân sách lại eo hẹp. Đó còn chưa kể liệu cán bộ cơ sở cấp chính quyền và 3 cấp thanh tra là trung ương, tỉnh, huyện có đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc?.

Vẫn biết Luật ATVSLĐ sửa đổi mới chỉ ở dạng “thai nghén”, tuy nhiên, để đi vào thực tế và áp dụng được còn cả một quãng đường dài. Nhưng, người lao động vẫn có thể hy vọng vì theo ban soạn thảo dự thảo luật, hiện tại quỹ TNLĐ chưa chi vẫn còn khoảng 16 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho NLĐ khu vực khó khăn nhất như nông thôn, làng nghề...

Tuấn Trung

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này