Đưa thực tiễn vào bài giảng

11:55 | 18/11/2014
Sáng 17/11/2014, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Sở Lao động- Thương binh&Xã hội đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 và tổng kết hội giảng giáo viên dạy nghề thành phố năm 2014. PGS.TS Dương Đức Lân- Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã đến dự.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, trưởng ban tổ chức hội giảng cho biết, 2 năm một lần, hội giảng giáo viên dạy nghề thành phố lại được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt- học tốt trong các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Hội giảng giáo viên dạy nghề năm 2014 diễn ra từ ngày 5/11/2014 đến ngày 7/11/2014 tại hai địa điểm Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, thu hút  sự tham gia của 93 giáo viên xuất sắc đại diện cho đội ngũ giáo viên đến từ 23 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trung ương và địa phương. Các bài trình giảng của giáo viên được chia thành 07 tiểu ban theo các nhóm ngành nghề, gồm điện- điện tử- điện lạnh; cơ khí- hàn; cơ khí động lực- hàn; công nghệ thông tin; kế toán- quản trị kinh doanh; dịch vụ- may thời trang; ngoại ngữ chuyên ngành.

Hội giảng năm 2014 có điểm khác biệt là bài giảng của giáo viên tham dự được xây dựng dưới dạng bài giảng tích hợp, lý thuyết hoặc thực hành; riêng đối với môđun chuyên môn nghề phải là loại bài giảng tích hợp, qua đó tạo điều kiện cho giáo viên các trường dạy nghề đều có cơ hội thể hiện khả năng trình giảng của mình đồng thời học hỏi và đúc rút được nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.   
Hội giảng cấp thành phố năm nay được các đơn vị đón nhận tích cực và chuẩn bị chu đáo. Nhiều trường chú trọng tổ chức hội giảng ở cấp cơ sở và bồi dưỡng giáo viên tham gia hội giảng cấp thành phố, tiêu biểu như Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề cơ điện và công nghệ thực phẩm Hà Nội, Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương I; Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội... Nhờ vậy, nên các bài giảng tại hội giảng năm nay có chất lượng chuyên môn sâu hơn so với các hội giảng trước đây. Nhiều giáo viên đã chủ động khai thác và sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, trang thiết bị, mô hình, đồ dùng, học cụ và các thiết bị dạy nghề tiên tiến; tích hợp đa dạng các phương pháp giảng dạy trong tiết giảng. Tiêu biểu như bài giảng Mạch ổn áp mắc nối tiếp của thầy giáo Lê Văn Dũng, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ; bài giảng Tiện ren tam giác ngoài- ren nhiều đầu nối của thầy giáo Ngô Duy Hiệp, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, bài giảng thiết kế thân sau áo Jackét trên giấy của cô giáo Phạm Thu Hiền trường Trung cấp nghề may và thời trang Hà Nội... Qua đây, nhiều giáo viên đã có dịp giao lưu học hỏi, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, kỹ năng thể hiện bài giảng qua việc bình giảng và góp ý của các thành viên tiểu ban giám khảo.

Giám đốc Sở LĐTB XH Hà Nội Khuất Văn Thành trao thưởng cho các giáo viên đạt giải nhất

Nhân rộng những bài giảng tốt vào thực tiễn

Sau những ngày tranh tài sôi nổi, ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 5/23 tập thể; 88/93 giáo viên. Về giải tập thể có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba. Giải cá nhân có 7 giải nhất, 17 giải nhì, 31 giải ba, 33 giải khuyến khích. Đặc biệt, từ kết quả của hội giảng lần này, ban tổ chức sẽ lựa chọn những giáo viên đạt thành tích cao với bài trình giảng tốt nhất cả về kỹ năng chuyên môn nghề và nghiệp vụ sư phạm tham dự Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại Đà Nẵng vào năm 2015. Tự hào khi giành được giải nhất nghề May thời trang, cô Phạm Thu Hiền- giáo viên khoa Thiết kế thời trang- trường Trung cấp May và thời trang Hà Nội chia sẻ: “Đến với hội giảng lần này, chúng tôi đã có được cơ hội giao lưu học hỏi và cọ xát về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, học hỏi được phương pháp tư duy khoa học và logic một cách tổng quan trong công tác giảng dạy, đúc rút được những kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Có thể nói, hội giảng giáo viên dạy nghề là sân chơi ý nghĩa, bổ ích cho đội ngũ giáo viên các trường dạy nghề của thành phố Hà Nội”. Cô Thu Hiền cũng bộc bạch: “Tôi sẽ không ngừng rèn luyện, học tập, nghiên cứu tìm tòi xây dựng những bài giảng hay, có ý nghĩa thực tiễn trong giáo dục đào tạo nghề cho học sinh, để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục nói chung, sự nghiệp đào tạo nghề của Thủ đô nói riêng”.

Phát biểu tại lễ tổng kết, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chúc mừng thành công của Hội giảng giáo viên dạy nghề thành  phố Hà Nội năm 2014. PGS.TS Dương Đức Lân khẳng định, hội giảng là một hoạt động thiết thực giúp đẩy mạnh phong trào dạy tốt và học tốt ở các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên dạy nghề giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau đồng thời thông qua đó, ngành dạy nghề Thủ đô sẽ tuyển chọn, bồi dưỡng giáo viên tham gia hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015. PGS.TS Dương Đức Lân đề nghị cần phải nhân rộng những bài giảng tốt trong hội giảng lần này vào giảng dạy trong các trường nghề để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề của thành phố nói chung và cả nước nói riêng, hướng đến mục tiêu đạt 40% lao động qua đào tạo nghề vào năm 2015 và 55% lao động qua đào tạo nghề vào năm 2020.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này