Nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật công đoàn

10:23 | 14/12/2018
(LĐTĐ) Với mục tiêu xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2018-2023.
nang cao chat luong tu van phap luat cong doan Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các cấp công đoàn Thủ đô

Nhiều thách thức đặt ra với tổ chức

Thực tế hiện nay quan hệ lao động đặt ra nhiều thách thức với tổ chức Công đoàn (CĐ) như: Nhận thức của các chủ thể trong quan hệ lao động còn nhiều hạn chế. Nhận thức về quan hệ lao động của các chủ thể trực tiếp tham gia quan hệ lao động còn yếu, không xác định đúng vị thế và nghĩa vụ, quyền của mình trong quan hệ lao động dẫn đến các hành vi xử sự hoặc đòi hỏi không đúng mức, trái pháp luật, gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc, thậm chí dẫn đến xung đột.

nang cao chat luong tu van phap luat cong doan

Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ người lao động là yêu cầu đặt ra với tổ chức Công đoàn

Bên cạnh đó, do áp lực về việc làm, hạn chế về nhận thức cũng như năng lực tự bảo vệ của phần lớn người lao động nên trong quan hệ lao động, người lao động luôn ở vị trí yếu thế, bất bình đẳng. Trong khi đó, CĐ cơ sở - tổ chức đại diện cho người lao động tại không ít doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, tiếng nói thiếu mạnh mẽ, nhất là trong công tác đối thoại, thương lượng để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, sự phong phú, tính biến động của thị trường lao động, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm cho việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở trở nên khó khăn hơn.

Nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra mục tiêu: Có từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; có từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã thành lập CĐCS tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Phấn đấu 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố và 80% CĐ ngành, CĐ Tổng Công ty trực thuộc chủ động đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với đoàn viên, người lao động, cán bộ CĐ, ít nhất 2 lần/nhiệm kỳ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề ra mục tiêu: Đến năm 2023, xây dựng và phát triển được đội ngũ luật sư CĐ chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật lao động, CĐ. Đến năm 2023, ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức CĐ có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện CĐ tham gia...

Khi các doanh nghiệp nhà nước thu hẹp do cơ cấu lại nền kinh tế, tính bấp bênh của việc làm trong điều kiện nền kinh tế có quy mô nhỏ, sự đa dạng, phức tạp của các loại hình việc làm, sự chuyển dịch của lao động di cư; cùng với các hình thức sử dụng lao động ngày càng phát triển đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó, đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm, như lao động cho thuê lại, lao động bán thời gian, lao động gia công tại nhà, lao động trong các doanh nghiệp công nghệ cao (như Uber, Grab...) làm cho việc thu hút, tập hợp người lao động, thành lập CĐ cơ sở, tổ chức và hoạt động CĐ khó khăn hơn bao giờ hết.

Theo đó, nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, qua đó góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức CĐ, xây dựng tổ chức CĐ Việt Nam vững mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là các cấp CĐ cần đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức CĐ; nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống về nhiệm vụ quan trọng này, coi đây là phương thức bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

Tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả việc sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các đạo luật khác liên quan đến lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, công chức, viên chức... và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt quan tâm các vấn đề lớn liên quan đến người lao động và tổ chức CĐ.

Giải pháp thứ hai không kém phần quan trọng là thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các cấp CĐ. Cụ thể: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể với đại diện người sử dụng lao động thông qua định kỳ hàng năm tổ chức đối thoại, chia sẻ thông tin về tình hình quan hệ lao động giữa tổ chức CĐ với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong nước, hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Tăng cường tổ chức đối thoại cấp tỉnh, cấp khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động, cán bộ CĐ và người sử dụng lao động. Tiếp tục thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể cấp ngành thông qua tăng số lượng doanh nghiệp tham gia vào các thỏa ước lao động tập thể ngành đã ký kết, ký kết mới một số thỏa ước lao động tập thể ngành sử dụng đông lao động, quan hệ lao động phức tạp.

Đa dạng hóa phương thức tiếp cận người lao động

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, nhiệm kỳ này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật CĐ. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ người lao động cấp Tổng Liên đoàn và một số địa phương phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tư vấn pháp luật và các hoạt động tư vấn khác cũng như các hoạt động hỗ trợ công nhân, tham gia tố tụng tại Tòa án, cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhà ở, nhà trẻ, cung cấp hàng hóa, các hoạt động văn hóa thể thao, y tế, các chế độ phúc lợi cho công nhân… tại các khu thiết chế của CĐ và tại địa phương.

Để tiếp cận tới đoàn viên và người lao động, các cấp CĐ cần đa dạng hóa nội dung, phương thức, phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động, tư vấn pháp luật lưu động, tư vấn pháp luật trực tuyến.

Triển khai rộng rãi Phần mềm tư vấn pháp luật tự động của Tổng Liên đoàn tới đông đảo đoàn viên, người lao động với nhiều hình thức hiện đại, phù hợp, hiệu quả như gắn với mạng xã hội, các website có lượng công nhân lao động truy cập lớn, kios trả lời tự động tại khu nhà trọ, doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp...

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp làm công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. “Cán bộ CĐ cần nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp CĐ về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động; phải thực sự coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức, được ưu tiên đầu tư nguồn lực và công tác chỉ đạo. Nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, sẽ xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên về đối thoại và thương lượng tập thể của Tổng Liên đoàn; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể và xây dựng, triển khai thực hiện thỏa ước lao động tập thể cho đội ngũ luật sư CĐ.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về pháp luật, tiền lương, kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể, quan hệ lao động, CĐ cho đội ngũ cán bộ CĐ từ cấp cơ sở trở lên. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hình thành mạng lưới luật sư chuyên nghiệp của tổ chức CĐ về lĩnh vực pháp luật lao động, CĐ, chú trọng xây dựng lực lượng tư vấn viên nòng cốt ở những nơi có điều kiện.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này