Không yên tâm làm việc vì phải xa con

11:04 | 09/12/2014
Giá cả tăng nhanh, công việc không đều nên gửi con về quê là lựa chọn của nhiều gia đình công nhân. Họ mong muốn có nhà trẻ trong KCN để gửi con nhỏ và yên tâm làm việc.

Gạt nước mắt gửi con về quê

Nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt, chúng tôi bước vào nhà và thấy một bà cụ đã ngoài 75đang dỗ dành đứa trẻ khoảng 10 tháng tuổi. Trên mặt bé lem nhem mũi rãi và cháo. Bà Nguyễn Thị Len, ở Vũ Thư, Thái Bình, than thở: “Khổ quá cô ơi, thằng nhỏ không chịu ăn cứ đút cháo vào lại ưỡn người nhè ra. Tôi thì già lại đau lưng nên không bế đi ăn rong được”.Đứa bé là chắt nội của bà Len. Bố mẹ là công nhân ở Hà Nội nên gửi cháu về ở với ông bà nội và cụ khi mới 6 tháng tuổi.

Cháu trai bà Len theo bạn lên Hà Nội làm công nhân ở khu CN Bắc Thăng Long rồi lấy vợ người Nghệ An cũng là công nhân ở cùng khu công nghiệp.Vừa hết thời gian nghỉ thai sản,người mẹ đành gửi con về quê cho ông bà nội nuôi, bởi con còn quá nhỏ không thể gửi trẻ mà thuê người trông thì không có điều kiện. Mỗi tháng, hai vợ chồng gửi về khoảng 1.000.000 đồng cho bố mẹ mua sữa và thức ăn cho con. “Vợ chồng cháu trai mang con về quê gửi ông bà nội, nhưng đang mùa thu hoạch hoa màu nên bố mẹ nó phải đi làm, tôi đã ngoài 75tuổi đành phải trông chắt. 1.000.000 đồng vợ chồng nó gửi về cũng chỉ đủ tiền sữa cho thằng nhỏ nên bố mẹ nó vẫn phải đồng áng rồi đi phu hồ thêm để nuôi gia đình.” - bà Len than thở.

Cùng trong xóm nhà bà Len, bà Phạm Thị Đán cũng phải giao hết công việc đồng áng cho chồng để ở nhà trông cháu. Con gái và con rể bà Đán làm công nhân trên Hà Nội. Khi gần đến ngày sinh, con gái bà về quê và hết thời gian nghỉ thai sản đành để con lại cho bố mẹ trông còn mình trở lên Hà Nội tiếp tục làm việc. “ Ở nhà giữ cháu tôi không đi đâu được nên cũng chẳng kiếm được tiền”.Cũng theo bà Đán, con gái và con rể bà làm công nhân đã được 5,6 năm nên tay nghề cũng đã vững, thu nhập một tháng cũng được gần 4 triệu đồng nên nghỉ làm về quê trông con thì tiếc lắm. “Nếu nghỉ ở nhà trông con thì mất việc mà gửi con ở nhóm trẻ gia đình lại không yên tâm: Hơn nữa tiêu pha trên Hà Nội đắt đỏ, tiền thuê nhà, tiền đường sữa cho con rất tốn kém nên đành bấm bụng gửi con lại quê”, bà Đán cho biết.

Mất công nhân có tay nghề

Tại khu nhà trọ thôn Bầu, huyện Đông Anh nhiều công nhân cho biết, giá cả tăng, đời sống khó khăn nên ngày càng có nhiều người gửi con về quê. Chị Nguyễn Thị Mai, làm việc trong khu CN Bắc Thăng Long buồn rầu: “Trong khu mấy gia đình có con nhỏ đều gửi con về quê. Thương con đứt ruột nhưng nếugửi con vào trường công thì không được vì quá tải, công nhân lại không có hộ khẩu. Còn gửi con vào trường tư thì đắt quá lại không yên tâm. Vì thế chúng tôi rất khao khát có được một nhà trẻ dành cho con CN”. Còn Nguyễn Thị Mai, quê Thanh Hóa rơm rớm nước mắt khi nhắc tới con. “Nhớ con, tối nào em cũng phải gọi điện về để nghe nó bi bô. Thương lắm, cháu mới hơn 1 tuổi đã phải xa bố mẹ.Không biết em còn chịu cảnh xa con được bao lâu”.

Giá cả tăng nhanh, công việc ít, đời sống công nhân khó khăn nên ngày càng có nhiều gia đình công nhân gửi con về quê nhờ người thân trông giúp. Tình trạng này không chỉ thiệt thòi cho các cháu nhỏ, bản thân công nhân mà ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Cty CP dịch vụ thương mại Minh Đức lo lắng: Phải gửi con về quê nên công nhân cũng không toàn tâm toàn ý cho công việc. Nhớ con nên nhiều khi vừa làm họ vừa nghĩ ngợi ảnh hưởng đến năng suất chất lượng công việc. Hơn nữa để đào tạo được 1 công nhân có tay nghề, quen việc không hề đơn giản. Công nhân thường phải làm việc đến 3 năm có sự chỉ bảo tận tình của quản đốc mới thạo việc, vậy mà vừa ổn định thì nhiều người bỏ việc về quê vì không chịu được cảnh xa con.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng: Nước ta có một hệ thống khung pháp lý gồm Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý hiện hành, chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con CNLĐ làm việc trong các KCN. Trẻ sớm xa mẹ là một mất mát trong tình cảm, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách trẻ sau này. Sự yêu thương, lo lắng, chăm sóc của cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất. Có nhiều nguyên nhân khiến cho CNLĐ giải quyết theo hướng “cực chẳng đã”.Tổng LĐLĐVN đã nỗ lực để bảo vệ quyền lợi LĐ nữ trong việc chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, lâu dài cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Lâm- Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này