Xây dựng nội dung đào tạo cán bộ công đoàn ngoài nhà nước

10:53 | 11/12/2014
Từ khi cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các doanh nghiệp của nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Nội đã phát triển mạnh và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Theo số liệu thống kê hiện nay, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước Hà Nội đã thu hút trên 300.000 lao động.

Hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới ở nước ta là một hoạt động đặc thù với nhiều thành phần của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mục đích và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động có thể khác nhau, thậm chí xung đột nhau. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vừa là người bảo vệ lợi ích của các bên, vừa là trọng tài hòa giải các tranh chấp trong quan hệ lao động.

Một trong những chức năng cơ bản của công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thực hiện chức năng này hiện nay là không hề đơn giản. Tình hình phức tạp trong quan hệ lao động ở nước ta và trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây cho thấy, cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho CBCĐ để họ - những người hàng ngày hàng giờ trực tiếp liên quan và giải quyết các vụ việc nhằm giữ cho quan hệ lao động hài hòa, nắm được những quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả. Muốn vậy, người CBCĐ cần phải được đào tạo chu đáo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ công đoàn và pháp luật lao động.

Trên thực tế cũng đã có nhiều nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ, song vấn đề này đối với đội ngũ CBCĐ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội thì chưa có một công trình nào đề cập. Đây cũng là một nhiệm vụ mà đề tài này cần nỗ lực góp phần giải quyết.

Trường Trung cấp Công đoàn thành phố Hà Nội, với chức năng, nhiệm vụ với hoạt động công đoàn và chất lượng CBCĐ nhận thấy rằng: Đổi mới nội dung và phương pháp bồi dưỡng cho CBCĐ các doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhiệm vụ bức thiết và trường là một trong những khâu quan trọng để làm tốt công tác này.

Những năm vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Thành ủy, UBND và Công đoàn cấp trên, Trường đã bước đầu tiến hành đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng và cũng đã có những thành tích, kinh nghiệm bước đầu. So với yêu cầu của thực tiễn, những nỗ lực vừa qua của trường cũng cần có những điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.  Thực tế  công tác công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã chỉ ra nhiều khác biệt, thậm chí có cả những bất cập khi CBCĐ vận dụng tri thức và phương pháp đã được trang bị trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Công đoàn. Nó đặt ra vấn đề cần phải gấp rút điều chỉnh, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo của trường.           

Tình trạng hạn hẹp về kinh phí đào tạo – bồi dưỡng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực cho giảng dạy… ít nhiều vẫn đang là trở lực và cần được khắc phục. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Thành ủy, UBND và Công đoàn cấp trên về chính sách và ngân sách, trường cũng cần được sự hỗ trợ thêm về nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng .

Từ những thành tích trên, việc Trường Trung cấp Công đoàn Hà Nội  tiến hành nghiên cứu, ứng dụng nhằm tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng CBCĐ các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần được khuyến khích, hỗ trợ.

Từ tháng 1/2013 trường bắt đầu tiến hành nghiên cứu đề tài “ Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Hà Nội”. Qua nghiên cứu thực trạng và phân tích những số liệu qua điều tra khảo sát, ban chủ nhiệm đề tài khoa học Trường Trung cấp Công đoàn Hà Nội đã thử nghiệm ứng dụng một số giải pháp để đào tạo bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thuộc LĐLĐ quận Hoàng Mai; LĐLĐ huyện Chương Mỹ; CĐ các khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Nội dung chuyển tải với phương thức trao đổi gắn với thực hành, bao gồm các vấn đề về: Hợp đồng lao động và trách nhiệm của công đoàn cơ sở; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và trách nhiệm của công đoàn cơ sở; giải quyết tranh chấp lao động, đình công và trách nhiệm của công đoàn cơ sở; xây dựng quan hệ lao động, thúc đẩy đối thoại xã hội tại đơn vị, doanh nghiệp.

Ngoài bài giảng theo phương pháp trình chiếu của giáo viên, ban chủ nhiệm đề tài khoa học của trường còn biên soạn tài liệu để giúp học viên nghiên cứu, vận dụng sau khi học trở về đơn vị công tác. Tài liệu phục vụ cho học viên được viết chắt lọc, ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính thực tiễn cao; có những chuyên đề trong bài giảng của giáo viên không có (vì thời gian có hạn), nhưng ban biên tập vẫn đưa vào tài liệu để giúp học viên hiểu một cách hệ thống, logic các chuyên đề được học tập tại lớp, cũng như có chuyên đề tự nghiên cứu.
Kết quả sau khi thử nghiệm thay đổi về nội dung (theo yêu cầu của học viên)  và phương pháp (có thực hành; tình huống) bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của các cán bộ công đoàn (88% cho rằng phương pháp này tốt hơn phương pháp cũ. 82 % cho rằng tài liệu phù hợp, thực tế và có ích cho người học).

Trần Huy Vỵ
(Hiệu trưởng trường Trung cấp Công đoàn TP Hà Nội)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này