Doanh nghiệp có làm tròn trách nhiệm?

11:31 | 25/12/2014
Số báo 153 (ngày 23/12) LĐTĐ đã có bài đề cập việc một số lao động giúp việc gia đình ở Saudi Arabia trở về nước, trắng tay "ôm nợ". Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được lời kêu cứu của chị Lê Thị Hồng Vinh, đang ở Saudi Arabia. Qua phản ánh của NLĐ, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ.

Theo phản ánh: Chị Vinh sang Saudi Arabia ngày 12/7/2014. Sang đó mỗi ngày chị chỉ được ngủ 3 - 4 giờ, chỉ được ăn 1 bát cơm không thức ăn, hoặc 1 bánh mì mốc. Thậm chí bị ốm chị không được đi bệnh viện, còn bị đổ axit loãng vào tay… Chị Vinh xin đổi chủ mới, tuy nhiên làm việc được 2 tháng chị vẫn không được nhận lương. Chị còn bị 2 người em trai và em gái bà chủ đánh, bốc cát và sỏi bỏ vào miệng, lấy bật lửa đốt vào mặt. Chị Vinh đã gọi điện về Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát (Cty Vĩnh Cát, DN đưa chị Vinh đi XKLĐ) xin về nước, phía Cty cho biết, nếu muốn về chị phải nộp 58 triệu đồng… Chị Vũ Thị Thắm (SN 1978, quê ở Thái Nguyên), cũng do Cty Vĩnh Cát đưa sang Saudi Arabia làm giúp việc từ 22/7, là người chứng minh những gì chị Vinh phản ánh. Trao đổi qua điện thoại ngày 15/12, chị Thắm cho biết: “Công việc mỗi nơi mỗi khác, nhưng công việc của chị Vinh là khắc nghiệt nhất. Chủ nhà kiểm tra rất chặt. Người giúp việc phải ăn thức ăn thừa. Có lần chủ nhà còn nhặt thịt cừu từ thùng rác cho người giúp việc ăn. “Có hôm, tôi chứng kiến chị Vinh ngồi ở góc vườn chủ nhà không cho vào nhà, không cho ăn. Chị Vinh gọi điện thoại về nước, liền bị gia đình chủ nhà đánh đập. Con trai của bà chủ còn vật ngửa chị Vinh ra rồi đốt lửa trước mặt đe dọa…”, chị Thắm kể.

55861

Ông Nguyễn Thanh Sơn, TGĐ Cty Vĩnh Cát, trao đổi với PV

55862

Để xác minh những thông tin, chúng tôi đã làm việc với các DN trực tiếp đưa lao động sang Saudi Arabia. Về trường hợp của chị Lê Thị Hồng Vinh, sau khi nhận được kêu cứu của chị, theo chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), ngày 14 và 15/12, ông Đoàn Kiến Trung (Trưởng ban QLLĐNN của Việt Nam tại Saudi Arabia) gặp gỡ trực tiếp lao động để làm sáng tỏ sự việc. Chị Vinh đã có bản tường trình đồng thời đề đạt nguyện vọng muốn được về nước mà không phải bồi thường. Một số nội dung chị Vinh phản ánh là đúng, một số nội dung không có thật. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Cty Vĩnh Cát, khẳng định: Chúng tôi đang và sẽ thực hiện chương trình đưa lao động giúp việc gia đình đi Saudi Arabia với trách nhiệm cao, đảm bảo tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Việc lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người lao động. Theo quy định của luật pháp và hiệp định giữa các bên, lao động phải bồi thường. Song để giải quyết trường hợp của chị Vinh, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho lao động được về nước sớm theo nguyện vọng”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, hiện chị Lê Thị Hồng Vinh vẫn chưa được về Việt Nam.

Chị Lê Thị Hồng Vinh tại “nhà chờ” ở Saudi Arabia (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đối với trường hợp chị Tô Thị Dung bị ngược đãi, gia đình phải bỏ tiền xin về nước sớm, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Phương, Giám đốc chi nhánh Hải Dương thuộc Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng (DN đưa chị Dung XKLĐ). Ông Phương thừa nhận, bà Nguyễn Thị Niềm là cộng tác viên của chi nhánh, hoạt động tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Chị Dung và gia đình liên tục gọi điện thông báo chị không ăn, không ngủ được, không đảm bảo sức khỏe làm việc, đề nghị xin chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, sử dụng lương của chị Dung để chi trả các chi phí và đồng thời gia đình bổ sung nếu không đủ. Ngày 2/10, gia đình chị Dung chuyển cho Cty 20 triệu đồng, cộng với tiền lương 3 tháng của chị Dung được Cty Sanayed (đối tác ở nước ngoài) thông báo là 1.050USD. Tổng số tiền trên đã được sử dụng cho việc làm blog visa (giấy phép LĐ), vé máy bay cho chị Dung về nước. Tổng chi phí hết 2.059USD (hơn 43 triệu đồng), việc chị Dung chấm dứt HĐLĐ và về nước trước thời hạn là hoàn toàn tự nguyện và không có bất cứ áp lực nào. Ông Phương cho biết, thỉnh thoảng lao động ở nước ngoài cũng có gọi điện thoại phản ánh bị đánh đập, sàm sỡ, bị làm việc quá giờ, bị bỏ đói… chi nhánh đều liên lạc với đối tác để xác minh và giải quyết.

Những lời kêu cứu của lao động với ý kiến của lãnh đạo các DN có nhiều điểm không khớp nhau. Phía DN đưa người đi XKLĐ không thừa nhận nội dung sự việc NLĐ kêu cứu. Tuy nhiên có thể nói không người lao động nào bỏ một khoản tiền lớn mà họ phải vay mượn mới có được để về nước trong tình trạng trắng tay. Do đó những lời kêu cứu của NLĐ rất cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho họ cũng như xử lý nghiêm nếu DN đưa người đi XKLĐ vi phạm.

Bài cuối: Các cơ quan chức năng vào cuộc

Thu Trang – Hà Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này