Các doanh nghiệp siêu nhỏ:

Những giọt nước tạo nên đại dương

18:20 | 07/12/2018
(LĐTĐ) Mặc dù đang chiếm tới 70% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam và được đánh giá là một trong những động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới, tuy nhiên với nguồn lực mỏng, quản lý kiểu gia đình, ngại vay vốn đầu tư đổi mới công  nghệ… là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể phải tự liên kết hợp tác kinh doanh và thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách Nhà nước.
cac doanh nghiep sieu nho nhung giot nuoc tao nen dai duong Doanh nghiệp nhỏ, nên đi ngách nhỏ
cac doanh nghiep sieu nho nhung giot nuoc tao nen dai duong Thủ tướng chỉ thị triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
cac doanh nghiep sieu nho nhung giot nuoc tao nen dai duong Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chưa được quan tâm đúng mức

Thời gian qua, mặc dù chỉ phát triển mạnh ở một số lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp, do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…) và thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần…Nhưng khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn khẳng định được vai trò quan trọng của mình trọng sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ tổng điều tra kinh tế – xã hội năm 2017 cho thấy, số doanh nghiệp siêu nhỏ trong năm vừa qua tăng 65,5% so với năm trước, chiếm 74% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Tính riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng.

cac doanh nghiep sieu nho nhung giot nuoc tao nen dai duong
Cần có sự ưu đãi thuế cụ thể hơn từ Chính phủ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số doanh nghiệp. Trong khi đó, quy mô của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ (98,6% số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%, trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động…Xét về tỷ trọng đóng góp vào GDP trong năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 43% GDP. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Có lần nói chuyện với PV Báo LĐTĐ ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong xu thế của thế giới thời cách mạng 4.0 không phải là các tập đoàn kinh tế lớn quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế, mà chính là các doanh nghiệp nhỏ; đặc biệt siêu nhỏ. Bởi chính những doanh nghiệp siêu nhỏ là những giọt nước để tạo đại dương mênh mông.

Đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể trong việc đóng góp chung vào GDP cả nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong vài năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những “động cơ” chính cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với sự “tấn công” mạnh mẽ từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới vào Việt Nam, khối doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho biết, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ) còn thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. Chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ có 14% doanh nghiệp tư nhân bán hàng cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ đứng trước rủi ro rất lớn khi phòng tuyến bảo hộ hàng Việt Nam đang ngày càng bị xuyên thủng bởi các hiệp định thương mại tự do. Với việc gia nhập các hiệp định thương mại khiến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguy cơ hàng nội bị đánh bật khỏi thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn, đang lớn dần lên.

“Lẽ ra với tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải quan tâm tới các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ nhiều hơn, về cả chủ trương và sự thực thi. Nhưng chính vì quy mô siêu nhỏ của mình, những doanh nghiệp này đang bị “ngó lơ”. Tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan Chính phủ’, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Khó tiếp cận vốn từ chính sách

Mặc dù chiếm số lượng lớn trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên có thể thấy, các doanh nghiệp siêu nhỏ lại không đủ mạnh để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khác. Bởi thế, vấn đề khiến các chuyên gia kinh tế quan tâm hiện nay đó là, liệu khối doanh nghiệp này có khả năng trụ vững rồi lớn lên thành doanh nghiệp nhỏ và vừa hay vẫn chỉ loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì thành lập một thời gian rồi… giải thể?.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Duy Khánh, đại diện Công ty TNHH Khánh Trường ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, khi kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng muốn “lớn lên”. Tuy nhiên, hiện nay khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp là rất hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ từ phía ngân hàng dành cho doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận bởi hàng loạt các điều kiện mà doanh nghiệp không dễ đáp ứng.

“Doanh nghiệp hoạt động phần lớn bằng nguồn vốn huy động cá nhân. Nhiều khi cần nguồn vốn lớn cho sản xuất đơn hàng mới doanh nghiệp rất bị động. Đặt vấn đề vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất khó bởi điều kiện thế chấp hoặc tài sản đảm bảo. Nếu có cố vay qua hệ thống dịch vụ thì lãi suất cao nên nhiều lúc doanh nghiệp phải hủy bỏ đơn hàng”, ông Khánh nói.

Không có động lực để phát triển như ông Khánh, nhiều hộ kinh doanh cá thể khác lại tỏ ra sợ sệt, thậm chí, nhiều người có tư tưởng “an phận” và không dám đổi mới, không muốn thay đổi trật tự đã tồn tại bao năm; hay có những hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ mạnh dạn đầu tư, nhưng lại chỉ muốn có ngay doanh số, lợi nhuận…dẫn đến việc thiếu niềm tin khi thay đổi và không dám mạnh dạn đột phá.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những doanh nghiệp siêu nhỏ lại không có thói quen vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ. Bên cạnh đó, nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng, rồi còn vấn đề công khai minh bạch sổ sách, chứng từ. Vì thế, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn.

Kết quả, nhiều doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn vì tầm nhìn nhỏ. Không vay vốn nên doanh nghiệp siêu nhỏ không có công nghệ mới, phương tiện thiết bị cũ kỹ, quy trình làm việc cũng cũ, cộng thêm việc ít chịu khám phá thị trường mới, khách hàng mới. Trong khi đó, chính bản thân doanh nghiệp siêu nhỏ còn chủ quan không biết rằng doanh nghiệp mình đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ tiềm tàng.

Để tăng cường hiệu quả hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn như đưa ra mức thuế suất phổ thông của doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông của các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, cần áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ, hay ưu đãi thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới thành lập...

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này