Công nghiệp văn hóa: Biến quyết tâm thành hành động

16:53 | 06/12/2018
(LĐTĐ) Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định 12 nhóm ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm giải trí, thủ công mỹ nghệ…
cong nghiep van hoa bien quyet tam thanh hanh dong Phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội: Bắt đầu từ đâu?

Điều đó chứng tỏ rằng, công nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị, những sản phẩm tinh thần cao đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Theo Chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam, khái niệm “Công nghiệp văn hóa” tuy mới được sử dụng ở Việt Nam nhưng đã rất phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, điển hình là tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi đã tập trung sức phát huy truyền thống, gắn truyền thống với hiện đại, mang lại nhiều thành tựu cho nước này. Theo UNESCO, Công nghiệp văn hóa là “Công nghệ kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích cho kinh tế”.

Theo quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định 12 nhóm ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa (chủ yếu là những ngành văn hóa, nghệ thuật lâu nay được xếp vào khu vực “dịch vụ cho tiêu dùng” trong cơ cấu GDP).

cong nghiep van hoa bien quyet tam thanh hanh dong
Biểu diễn nghệ thuật là một trong 12 nhóm ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh:Bảo Thoa

Như vậy có thể hiểu Công nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị, những sản phẩm tinh thần cao đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng của GDP, mang lại hiểu quả kinh tế thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Công nghiệp văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân cần được nhận thức và phát huy.

Với mục đích chung là khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy sáng tạo, xây dựng văn hóa của thời đại mới, hình thành đời sống văn hóa, góp phần cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của đất nước, ngành công nghiệp văn hóa đang dần tạo nên “sức mạnh mềm” trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, đẩy lùi những hiện tượng sa sút về đạo đức.

Theo Chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn, có nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tùy thuộc vào mỗi ngành nghề riêng. Tuy nhiên, cần thiết phải xác định được đâu là ngành trọng điểm để tập trung sức mạnh vào ngành ấy. Ví dụ, Quyết định số 1755 đã xác định Du lịch văn hóa là mũi chủ công, trong đó có du lịch di sản và du lịch tâm linh, đề ra mục tiêu: Năm 2020 doanh thu du lịch văn hóa chiếm 10-15% tổng số ngành công nghiệp văn hóa; năm 2030 chiếm 15-20% tổng số.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào phát triển Công nghiệp văn hóa. Khoa học kỹ thuật là nguồn nâng cao năng suất, chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị kinh tế của các ngành văn hóa, nghệ thuật. Trong mỗi ngành đều có thể và cần thiết ứng dụng các nội dung của cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các khâu sáng tạo, thiết kế, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa. Để có thể sản xuất các sản phẩm văn hóa có chất lượng phải dựa vào lớp nghệ nhân, nghệ sỹ có năng lực, vì vậy cần tiếp tục bồi dưỡng đào tạo nhân lực.

Riêng đối với Hà Nội, là nơi có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là nơi tập trung đông đảo các nhân tài các loại hình văn hóa, các cơ sở nghiên cứu văn hóa đầu đàn của cả nước, phát triển công nghiệp văn hóa chính là phát huy truyền thống văn hóa Tràng An, văn hóa Xứ Đoài trong thời kỳ mới, khai thác tiềm năng to lớn của các ngành văn hóa, khoa học, nghệ thuật, xây dựng Thủ đô thanh lịch, xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước, tầm vóc của Thủ đô một đất nước nghìn năm văn hiến.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, các sản phẩm làng nghề và ngành nghề thủ công truyền thống không chỉ là vật phẩm sinh hoạt bình thường mà là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần. Nhiều sản phẩm có tính nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó chứa đựng những nét đặc trưng và biểu trưng của nền văn hóa dân tộc, mang sắc thái riêng đánh giá được mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí…

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này