Nâng cao nhận thức về phòng cháy chữa cháy trong các cấp công đoàn

23:34 | 06/12/2018
(LĐTĐ) Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến mới đây đã ký ban hành hướng dẫn số 24/HD-LĐLĐ hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/10/2018 của Ban thường vụ Thành ủy về “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn thành phố Hà Nội”.  

Theo đó, đối tượng tuyên truyền là người sử dụng lao động, cán bộ CĐCS, cán bộ công, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn, người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh vụ.

Về nội dung tuyên truyền, LĐLĐ Thành phố yêu cầu, các cấp công đoàn tổ chức quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội” đến đoàn viên, CNVCLĐ đồng thời tuyên truyền Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”.

Các cấp công đoàn cũng cần tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, thi hành Luật và các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứ hộ của Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố, tài liệu tuyên truyền “Những điều cần biết về phòng cháy, cứu nạn cứu hộ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn, phát hành.

nang cao nhan thuc ve phong chay chua chay trong cac cap cong doan
Một cuộc giao lưu trực tuyến về phòng chống cháy nổ do Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh minh họa.

Cùng đó, các cấp công đoàn cần giới thiệu rộng rãi các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kịp thời phát hiện và phê phán các tổ chức, cá nhân không thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng như tổ chức giao lưu, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc của đoàn viên, CNVCLĐ về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

Về hình thức tuyên truyền, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp công đoàn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH đến CNVCLĐ và các CĐCS như: tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, loa truyền thanh, bảng tin, cấp phát tài liệu, thông qua hội nghị tọa đàm, hội thảo, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Việc tuyên truyền còn được thực hiện thông qua treo băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, xe thông tin lưu động hoặc tổ chức các hội thi, cuộc thi có liên quan vè phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, thời gian chú trọng vào các dịp mùa nắng nóng, hanh khô, Tết Nguyên đán; Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10, các dịp lễ hội, hàng năm.

Cùng với đó, các đơn vị cần tổ chức các điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC tại các khu công nghiệp, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tại các doanh nghiệp như tuyên truyền miệng theo các chuyên đề phù hợp với từng đối tượng cụ thể; ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

Cùng với tổ chức các hoạt động thiết thực như: thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp các đơn vị cần biên soạn, phát hành tài liệu, thông cáo báo chí tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy.

Đặc biệt, các cấp công đoàn cần nâng cao hiệu quả sử dụng các tủ sách pháp luật tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; tiếp tục đầu tư trang bị, cập nhật thêm các đầu sách pháp luật phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ mới để nâng cao chất lượng hệ thống tủ sách pháp luật từ CĐCS đến LĐLĐ quận, huyện, công đoàn ngành và công đoàn cấp trên cơ sở.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền, các ngành, các cấp kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách pháp luật, xử lý các vi phạm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời tổ chức cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, xây dựng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về tổ chức thực hiện, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo báo Lao động Thủ đô, trang web LĐLĐ Thành phố Hà Nội tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH đến đông đảo CNVCLĐ và bạn đọc Thủ đô.

Đối với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS trực thuộc, LĐLĐ Thành phố yêu cầu cần căn cứ hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố và tình hình thực hiễn của CNVCLĐ trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC, CNCH tới CNVCLĐ và CĐCS đồng thời hướng dẫn cho các CĐCS hàng tháng triển khai cung cấp tin bài, phóng sự, tài liệu khuyến cáo về phòng cháy chữa cháy đến đài phát thanh quận, huyện, thị xã để phát thanh tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng.

Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/5), 1 năm (trước ngày 15/11), các công đoàn cấp trên cơ sở cần báo cáo kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong CNVLCĐ về LĐLĐ thành phố Hà Nội qua Ban Tuyên giáo.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này