Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Ba Vì:

Hiệu quả nhờ sự đồng thuận của cả hệ thống

10:15 | 04/12/2018
(LĐTĐ) Triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả đến các đối tượng trên địa bàn.
hieu qua nho su dong thuan cua ca he thong Chương Mỹ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
hieu qua nho su dong thuan cua ca he thong Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo việc làm, tăng thu nhập
hieu qua nho su dong thuan cua ca he thong Khảo sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Ứng Hòa

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến Quyết định 1956, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản của thành phố, của huyện tới cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã, thị trấn; tổ chức 2 hội nghị lớn của huyện triển khai kế hoạch công tác đào tạo nghề với thành phần đại diện các ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

hieu qua nho su dong thuan cua ca he thong
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Ba Vì

Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện, tuyên truyền cho hội viên tại các xã, thị trấn về chính sách học nghề, dạy nghề và phối hợp trong công tác rà soát đối tượng, tuyển sinh học nghề đảm bảo đúng mục tiêu, nhu cầu đào tạo...Bên cạnh đó, hàng tháng giao ban đối với công chức Văn hóa xã hội (cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội xã, thị trấn) đánh giá, tiếp thu báo cáo quản lý công tác đào tạo nghề tại các xã, thị trấn...

UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin tuyên truyền công tác đào tạo nghề qua chuyên mục của Đài Truyền thanh huyện và Đài Truyền thanh các xã, thị trấn... Kết quả, cán bộ và người lao động biết về chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nắm được chính sách, chế độ hỗ trợ cho lao động nông thôn trong việc học nghề, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm.

Với sự đồng thuận cao, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống, năm 2017, theo báo cáo của UBND huyện, đã có 31/31 xã, thị trấn ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo 1956 của xã, thị trấn. Huyện đã đặt hàng 10 đơn vị, đào tạo 61 lớp cho 2.113 học viên. Trong đó, 45 lớp đào nghề nông nghiệp cho 1.553 người; 16 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 560 người.

Theo thống kê của UBND huyện Ba Vì, trong năm 2017, tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm đúng nghề là 96,7%. Cụ thể, các học viên học nghề nông nghiệp, sau khi học nghề, đa số ứng dụng và phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình mình và đạt được những hiệu quả tích cực như: Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển thành mô hình chăn nuôi theo hướng nông trại, trang trại với quy mô chăn nuôi lớn; trồng cây ăn quả lâu năm; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap...

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến về chất. Việc này có được là nhờ sự đồng thuận từ chính quyền đến các tầng lớp nhân dân, trong đó bản thân người lao động đã chủ động khắc phục những khó khăn, đăng ký học nghề, tự kiếm việc làm để tạo ra thu nhập, cuộc sống ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, năm 2018, huyện đã tổ chức đặt hàng 51 lớp đào tạo nghề cho 1.779 học viên là lao động nông thôn, trong đó, 40 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.394 học viên; 11 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp với 385 học viên. Các lớp học sẽ kết thúc trong tháng 12/2018. Về hiệu quả đào tạo sau học nghề, UBND huyện Ba Vì đề ra mục tiêu tối thiểu 80% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng lao động nông thôn, cũng như năng suất lao động tại địa phương, UBND huyện Ba Vì kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Ba Vì.

Trong đó, đề nghị thành phố có chính sách đặc thù đối với huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực người dân thu hồi đất lớn để thực hiện các nhiệm vụ công ích của thành phố, các dự án kinh tế- xã hội, quân sự, an ninh quốc phòng (đặc biệt có chính sách hỗ trợ sản xuất cho người lao động khu vực trên).

Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị các sở, ban ngành của thành phố, tiếp tục phối hợp với huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả Sàn giao dịch việc làm vệ tinh huyện Ba Vì nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ huyện có các chương trình khuyến nông, các mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình; các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cấp vốn, giống, vật nuôi; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật mới trong nông nghiệp, chăn nuôi giúp người dân trên địa bàn tiếp cận mới trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt hỗ trợ huyện Ba Vì trong khu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn, kết nối với các đầu mối nhằm tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, các sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này