Xây dựng Chính phủ điện tử: Giảm thời gian, tăng hiệu quả

11:18 | 30/11/2018
(LĐTĐ) Chính phủ điện tử là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông vào hoạt động của Chính phủ  nhằm  cung cấp thông tin, dịch vụ công đến với doanh nghiệp và người dân một cách nhanh chóng, có hiệu quả. Chính phủ điện tử cũng là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng Chính phủ số và kinh tế số. Đặc biệt, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi công nghệ thông tin đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc xây dựng Chính phủ điện tử là một tất yếu khách quan.

Góc nhìn từ Hà Nội

Trên thực tế, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả đã tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. Hiện Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cao. Cụ thể, các quận nội thành có tỷ lệ đăng ký hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực tư pháp đạt 98-100%, một số huyện ngoại thành đạt trên 90%.

Việc đăng ký hồ sơ hành chính qua mạng ở các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh... đạt tỷ lệ cao; trong đó 100% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới được thực hiện qua mạng; hơn 90% hồ sơ thực hiện qua mạng trong lĩnh vực thông tin - truyền thông... Những kết quả này được coi là điều kiện thuận lợi để Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Anh Phan Đức Hùng một người dân ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, chia sẻ về sự nhanh chóng, thuận tiện trong việc làm hồ sơ trực tuyến khi làm khai sinh cho con gái đầu lòng: “Tôi chỉ việc vào cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hà Nội (egov.hanoi.gov.vn), lần lượt thực hiện các thao tác bấm chọn và điền thông tin theo mẫu, lưu mã hồ sơ tra cứu để biết tình trạng hồ sơ của mình trong khoảng 10 phút.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, khoảng 2 ngày sau sẽ nhận được kết quả. Lúc đó, chỉ cần mang các giấy tờ gốc cần thiết đến bộ phận “một cửa” của UBND phường đối chiếu và nhận giấy khai sinh cho con. Thủ tục đơn giản, không tốn nhiều thời gian, rất thuận tiện cho những người phải đi làm thường xuyên”.

xay dung chinh phu dien tu giam thoi gian tang hieu qua
Cán bộ phường Mộ Lao (Hà Đông) hướng dẫn cho công dân cách đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: Lê Thắm

Theo ông Bạch Hồng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao, việc thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân qua mạng vừa tiết kiệm thời gian cho người dân, vừa giảm áp lực cho các bộ và nạn giấy tờ ở các văn phòng hành chính. Từ đầu năm đến nay, phường đã tiếp nhận và giải quyết được 390 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3, trong đó các hồ sơ chủ yếu là về khai sinh, hộ tịch... số lượng hồ sơ trực tuyến ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân được rút ngắn, có những trường hợp chỉ giải quyết trong vòng 2, 3 ngày.

Hiện nay, nhiều địa phương khác cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để xây dựng chính quyền điện tử. Tại hầu hết các địa phương trên cả nước cũng đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, phổ biến nhất là các dịch vụ liên quan đến thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp… Thông qua việc áp dụng công nghệ số hóa vào hoạt động, chính quyền các địa phương đã giúp giảm hơn 40% thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm khoảng 80% chi phí in ấn, giấy tờ.

Hướng tới xây dựng dịch vụ công bền vững

Một mô hình Chính phủ điện tử lý tưởng là ở đó Chính phủ phát huy được lợi thế của công nghệ thông tin để cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết và đúng lúc cho người ra quyết định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa các thủ tục hành chính của chính phủ giúp tốc độ xử lý công việc được tăng lên nhiều lần. Nó cho phép công dân có thể truy cập tới các thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng internet như máy tính, điện thoại, ipad... một cách dễ dàng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chính phủ số là Chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ cho Chính phủ. Chính phủ số bao gồm 5 giai đoạn chính để tiến tới Chính phủ thông minh, trong đó, chính phủ điện tử là bước khởi đầu và là phương tiện để thực hiện các dịch vụ bền vững và giá thấp của Chính phủ. Đến nay, nước ta đã thiết lập được một số cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành...

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.

Hiện, trên cả nước có gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, các địa phương cung cấp chiếm đa số với 47.774 dịch vụ công trực tuyến (chiếm tới 96,8%); dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp là 1.578 (chiếm 3,2%). Tỷ lệ hồ sơ thực hiện giao dịch trực tuyến mức độ 3, 4 (tại bộ, ngành) đạt 36,95% (583/1.578), tăng hơn 10% so với quý I-2018...

Đánh giá một cách khác quan, những kết quả đạt được từ mô hình này còn chưa cao. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử vẫn ở mức trung bình, tăng 1 bậc so với năm 2018, và xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cơ sở hạ tầng thông tin chưa đồng bộ, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ hành chính còn yếu, nguồn lực công nghệ thông tin còng thiếu và yếu cùng với đó là ý thức của người dân chưa cao.

Ngoài ra, cơ chế, kinh phí, nguồn lực của chính phủ còn gặp nhiều khó khăn... Song rõ ràng, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công đã nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và thể hiện bước chuyển mình của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0.

Theo ông Bạch Hồng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao, việc thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân qua mạng vừa tiết kiệm thời gian cho người dân, vừa giảm áp lực cho các bộ và nạn giấy tờ ở các văn phòng hành chính. Từ đầu năm đến nay, phường đã tiếp nhận và giải quyết được 390 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3, trong đó các hồ sơ chủ yếu là về khai sinh, hộ tịch... số lượng hồ sơ trực tuyến ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân được rút ngắn, có những trường hợp chỉ giải quyết trong vòng 2, 3 ngày. Còn anh Phan Đức Hùng một cư dân ở đây cũng cho hay, tôi chỉ việc vào cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội (egov.hanoi.gov.vn), lần lượt thực hiện các thao tác bấm chọn và điền thông tin theo mẫu, lưu mã hồ sơ tra cứu để biết tình trạng hồ sơ của mình trong khoảng 10 phút. Sau khi hoàn tất hồ sơ, khoảng 2 ngày sau sẽ nhận được kết quả. Lúc đó, chỉ cần mang các giấy tờ gốc cần thiết đến bộ phận “một cửa” của UBND phường đối chiếu và nhận giấy khai sinh cho con. Thủ tục đơn giản, không tốn nhiều thời gian, rất thuận tiện cho những người phải đi làm thường xuyên.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này