Vận tải hành khách bằng xe buýt: Gỡ nút thắt để tăng sức hấp dẫn

17:50 | 27/11/2018
(LĐTĐ) Bên cạnh những mặt tích cực, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi thế  nếu không có tầm nhìn dài hạn với điều kiện ưu tiên tốt hơn, xe buýt sẽ không phát huy được hết thế mạnh của mình
van tai hanh khach bang xe buyt go nut that de tang suc hap dan Vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ bị xử nghiêm
van tai hanh khach bang xe buyt go nut that de tang suc hap dan Hà Nội chủ động phối hợp xử lý vi phạm vận tải hành khách

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông -Vận tải Hà Nội), mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thành phố hiện có 118 tuyến, trong đó có 96 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 1 tuyến City Tour.Dự kiến đến hết năm 2018, tổng số tuyến buýt trên địa bàn Thành phố sẽ tăng thêm 14 tuyến (tăng 13%) so với năm 2017. Đến nay mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 453/584 số xã, phường thị trấn (78%).

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt 10 tháng đầu năm đạt 370,8 triệu lượt hành khách; dự kiến cả năm sẽ đạt 455 triệu lượt hành khách, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, bên cạnh những mặt tích cực thì xe buýt Thủ đô vẫn đang bộc lộ những bất cập. Sản lượng hành khách tăng nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu tăng trưởng từ 5-8%; một số tuyến sau khi điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được bảo đảm do phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.

van tai hanh khach bang xe buyt go nut that de tang suc hap dan
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô đã có sự tiến bộ về cả chất lẫn lượng nhưng vẫn cần đổi mới hơn nữa.

Mặt khác, sự gia tăng cũng không đồng đều và thiếu ổn định với 25 tuyến, nhánh tuyến lượng khách tăng lên, 33 tuyến, nhánh tuyến lại giảm.Một số tuyến được điều chỉnh về luồng tuyến và dịch vụ nhưng chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Đơn cử như tính riêng trong 10 tháng năm 2018 đã có 621 xe phải bỏ chuyến do tắc đường (tương đương 0,01%); 24.155 lượt xe phải quay đầu (chiếm 0,55%); thời gian di chuyển của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp. Hạ tầng phục vụ cho xe buýt dù đã được đầu tư, phát triển, song vẫn còn thiếu và chưa bảo đảm theo quy hoạch, dẫn đến việc tiếp cận xe buýt của hành khách còn khó khăn...

Thực tế, hiện nay cho thấy khi xe buýt chưa đủ sức thu hút hành khách, người dân vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân để tham gia giao thông, khiến tình trạng ùn tắc diễn biến phức tạp. Ðể tháo gỡ vòng luẩn quẩn này, vấn đề mấu chốt là phải nhanh chóng tăng sức hấp dẫn của loại phương tiện này thông qua tăng cường năng lực vận chuyển, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Tăng sức hấp dẫn của xe buýt

Mới đây, tại buổi đối thoại giữa Sở GTVT với các doanh nghiệp vận tải về giải pháp nâng cao chất lượng và sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, khai thác các tuyến xe buýt trên địa bàn Thành phố. Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, thời gian tới, cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống nhà chờ, điểm dừng trong phạm vi dưới 500m để hành khách dễ dàng tiếp cận. Tần suất các tuyến buýt thường quá tải ở khu vực "lõi" của nội đô cũng cần được tăng lên để rút ngắn thời gian chờ đợi.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, một trong những yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ của xe buýt là thời gian thực hiện chuyến đi. Hiện, Hà Nội đang quá thiếu làn đường riêng cho xe buýt, là nguyên nhân trực tiếp khiến tốc độ lưu thông của loại hình này bị hạn chế nghiêm trọng. Ngay cả tuyến buýt BRT với làn dành riêng cũng thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn, phải rất chật vật mới đảm bảo được tiêu chí thời gian của mỗi chuyến đi.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác được dư luận rất quan tâm là hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt của Hà Nội còn rất thiếu và yếu. Toàn mạng lưới có trên 3.000 điểm đón – trả khách nhưng chỉ 12% trong số đó là nhà chờ, còn lại là điểm dừng, thiếu điều kiện che mưa nắng, đảm bảo an toàn, khiến hành khách chưa mặn mà với xe buýt. Trong khi đó, nhiều loại hình dịch vụ khác như: Grab taxi, xe ôm… với giá cả phải chăng, đưa đón tận nơi, nhanh chóng hơn cũng đang khiến xe buýt gặp bất lợi lớn trong việc thu hút hành khách.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải triển khai quyết liệt hơn công tác lập lại trật tự đô thị, bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt, đồng thời xây dựng thêm các điểm trung chuyển, tổ chức làn đường riêng cho xe buýt tại các tuyến đường có chiều rộng từ 7m trở lên. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, xe buýt mới thể hiện ưu thế so với các phương tiện giao thông cá nhân, đủ sức hấp dẫn để thu hút đông đảo người dân sử dụng xe buýt, từ đó giảm áp lực về giao thông cho các đô thị lớn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này