NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi bị cưỡng bức lao động

11:28 | 30/01/2015
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (BLLĐ).

Theo đó, ngoài quy định đối tượng giao kết HĐLĐ, nghị định nêu chi tiết nội dung cụ thể phải có trong HĐLĐ, trong đó đáng lưu ý là thời hạn hợp HĐLĐ, mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động (NLĐ) trong quá trình thực hiện HĐLĐ. Thời hạn HĐLĐ chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục HĐLĐ và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn HĐLĐ với NLĐ cao tuổi và NLĐ là cán bộ Công đoàn (CĐ) không chuyên trách quy định tại khoản 6 điều 192 của Bộ luật Lao động. Khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới. Khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt HĐLĐ.

Nghị định cũng quy định rõ 4 trường hợp NSDLĐ có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ tại khoản 1 điều 31 của BLLĐ, gồm: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước; do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. NSDLĐ đã tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển NLĐ đó làm công việc khác so với HĐLĐ thì phải được sự đồng ý của NLĐ bằng văn bản. NLĐ không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với HĐLĐ quy định tại khoản 3 điều này mà phải ngừng việc thì NSDLĐ phải trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 1 điều 98 của BLLĐ.

NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại điểm c khoản 1 điều 37 của BLLĐ trong các trường hợp bị NSDLĐ đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ngoài ra, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại điểm d khoản 1 điều 37 của BLLĐ trong các trường hợp sau đây: Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà NLĐ đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nghị định quy định: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của BLLĐ đối với người lao động hưởng lương theo ngày. NLĐ làm việc vào ban đêm theo khoản 2 điều 97 của BLLĐ, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm theo khoản 3 điều 97 của BLLĐ thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày lễ, tết.  NLĐ làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại điều 110 của BLLĐ được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. NLĐ làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 điều 115 của BLLĐ được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần...

Nghị định cũng quy định chi tiết về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Cụ thể, mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ sẽ được trả trợ cấp. Đáng lưu ý, nghị định quy định việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp đình công bất hợp pháp tại khoản 1 điều 233 của BLLĐ. NSDLĐ xác định giá trị thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra, và có quyền ra văn bản yêu cầu tổ chức CĐ lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp bồi thường thiệt hại.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.

D.Hưng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này