Phân loại rác thải từ nguồn: Nhiều lợi ích sao vẫn khó nhân rộng?

14:13 | 23/11/2018
(LĐTĐ) Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh hàng nghìn tấn rác thải bao gồm rác sinh hoạt, công nghiệp, xây dựng, bùn đất thải trong quá trình hoạt động sản xuất... Đáng chú ý, trong khi các ngành chức năng đều xác định rác thải cũng là một dạng tài nguyên thì phần lớn thứ tài nguyên này lại bị lãng phí qua cách xử lý chôn lấp. Một nghịch lý khác, việc phân loại rác thải tại nguồn đã manh mún xuất hiện từ hàng chục năm trước, nhưng thực tế thì lực lượng “đồng nát, ve chai” lại đang là trụ cột giúp… phân loại các thứ rác này.
phan loai rac thai tu nguon nhieu loi ich sao van kho nhan rong Vẫn nhức nhối nạn “phế thải tặc”
phan loai rac thai tu nguon nhieu loi ich sao van kho nhan rong Hà Nội đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ môi trường

Nhiều lợi ích nhưng…

Phân loại rác thải từ nguồn không phải đến thời điểm này mới được đề cập tới. Có thể hiểu, đây là hoạt động phân chia rác thải ra các loại riêng biệt như rác vô cơ, hữu cơ… ngay tại “nguồn” – nơi thải rác. Theo nhiều chuyên gia môi trường, nếu thực hiện phân loại rác ngay từ đầu nguồn thì những thứ này hoàn toàn có thể tái chế và lượng rác mang đi xử lý tại các điểm chôn lấp còn lại rất ít.

Nói cách khác, nếu rác thải được phân loại tốt, khối lượng phải chôn lấp bao gồm cả rác có nguồn gốc hữu cơ lẫn vô cơ sẽ giảm xuống đáng kể. Hiệu quả mang lại là sẽ trực tiếp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác. Đặc biệt, nó sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp...

phan loai rac thai tu nguon nhieu loi ich sao van kho nhan rong

Hiện phần lớn rác thải từ các hộ dân trê địa bàn đều được “gom” chung tại một điểm chứa, chưa có sự phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: Luyện Đinh

Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở thậm chí là nông dân còn tận dụng được lượng rác thải hữu cơ rất lớn để chế biến thành phân bón và mang lại hiệu quả. Trường hợp ông Tạ Đình Căn - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Hồng Thái, huyện Phú Xuyên phát triển phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm rơm rạ là ví dụ.

Theo đó, có thời điểm bình quân mỗi ngày trang trại ông Căn sản xuất hơn 2 tấn phân hữu cơ vi sinh, với giá hơn 1.000 đồng/kg, trừ hết chi phí còn lãi 1 triệu đồng/ngày. Cách thức sản xuất loại phân này cũng tương đối đơn giản. Chẳng hạn, đối với rơm rạ tươi cần ủ từ 25 - 30 ngày trước khi đưa vào phối trộn. Với rơm rạ khô sau khi ủ khoảng 7-10 ngày phải tiến hành đảo trộn và tưới thêm nước. Thông qua việc tận dụng rác thải, các cơ sở như của ông Căn còn có thêm nguồn thu, tạo cơ sở để giảm giá thành xử lý, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài hiệu quả kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng tăng lên.

Trở lại với câu chuyện phân loại rác thải từ nguồn, theo tìm hiểu, ngay từ năm 2006, Hà Nội thực hiện thí điểm Dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải hướng tới mục đích bảo vệ môi trường. Ngay từ các hộ dân, rác thải được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, quả, thức ăn thừa…) đựng trong thùng rác màu xanh lá cây với rọ lọc chất lỏng; rác vô cơ (xương, cành cây, vỏ sò hến, sành sứ, vải, tã bỉm) đựng trong thùng rác màu da cam; rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại) để dành hoặc bán cho người thu gom.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.

Tại khoản 4 Điều 20 của quy định này nêu: Phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Dự án trên đã được triển khai tại nhiều phường trên địa bàn thành phố với ước tính, tổng lượng rác giảm thiểu sau khi phân loại rác tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm. Theo đánh giá thời điểm đó, hiệu quả của dự án này được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường, giảm tới 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp...

Ngoài ra, một lượng lớn rác cũng được đem tới Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để chế biến thành phân bón - một sản phẩm an toàn cho đất trồng và người sử dụng. Tuy nhiên, khi Dự án thí điểm kết thúc vào năm 2009, không còn nguồn kinh phí tài trợ từ JICA nữa thì các cụm từ phân loại rác, vô cơ, hữu cơ dường như ít được nói đến. Các điểm tập kết rác cũng thấy thiếu vắng thùng rác có màu sắc hoặc nếu có thùng màu xanh, vàng thì cũng đựng lẫn lộn các loại.

Vì môi trường bền vững

Trao đổi với Lao động Thủ đô về vấn đề rác thải không được phân loại, PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường Hà Nội cho hay, thời gian tới các ngành chức năng liên quan cần có quy định và hướng dẫn cụ thể, rộng rãi cho người dân cách thức xử lý từng loại chất thải, coi việc phân loại là hành động bắt buộc trước khi bỏ rác.

Phân loại chất thải ở đây không chỉ là phân loại thành các loại rác hữu cơ, rác vô cơ và tái chế mà còn là phân loại ra chất thải xây dựng, chất thải y tế, chất thải nguy hại và chất thải cồng kềnh. Riêng chất thải rắn cồng kềnh và chất thải xây dựng, người dân chủ động lưu giữ gọn gàng trước khi liên hệ để giao cho đơn vị duy trì, cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường theo quy định, tuyệt đối không để bừa bãi ra nơi công cộng.

Rõ ràng, việc phân loại rác ngay từ nguồn thải không khó, không tốn kém về tiền bạc, không mất nhiều thời gian, công sức. Ðiều quan trọng là làm sao để mỗi người dân thay đổi thói quen bỏ chung các loại rác vào một thùng bằng việc phân chia từng loại vào những thùng chứa khác nhau.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này