Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

16:58 | 22/11/2018
(LĐTĐ) Sáng 22/11, báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”. Các ý kiến tại tọa đàm làm rõ vai trò, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế. Đồng thời thảo luận và tìm câu trả lời cho câu hỏi: “doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hay không muốn lớn – vì sao”?
tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien Bao giờ vượt qua rào cản của chính mình?

DN tư nhân giải quyết lớn việc làm cho NLĐ

Tại cuộc tọa đàm TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng các DN tư nhân có vai trò rất lớn trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo TS Lưu Bích Hồ, trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 DN, đến nay đã có đế 600.000 DN, dự kiến sẽ lên 1 triệu DN vào năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất trên 100.000 DN đăng ký mới và đổi mới DN cũ cũng trở thành DN mới.

tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien
Các đại biểu tham dự tọa đàm

DN tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP, trong toàn bộ khu vực DN thì khu vực tư nhân tạo ra trên 62% việc làm mới tính đến năm 2016. Có thể nói, DN tư nhân không phải chỉ là vốn mà giải quyết việc làm cho lao động vẫn là lực lượng chủ yếu. Trong khía cạnh khác, bên cạnh một số DN rất lớn như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là DN Tân Hiệp Phát, là đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài.

“Tôi thấy rằng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung tham gia thị trường cũng có số vốn không phải chỉ là những DN lớn mà đại bộ phận mới đăng ký là DN vừa và nhỏ thì mỗi năm, vốn bình quân để đăng ký thêm đã tích dần lên. Trước đây, dưới 10 tỷ đồng 1 DN, bây giờ đã lên trên 10 tỷ đồng. DN tư nhân không phải càng ngày càng nhỏ đi, mà thực sự là đăng ký mới đã tăng lên, số bổ sung vốn vào so với các DN đã có thì mỗi năm gấp nhiều lần số vốn đăng ký mới, để thấy rõ khu vực vừa và nhỏ của chúng ta cũng ngày càng lớn” TS Lưu Bích Hồ chia sẻ.

Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn?

Trả lời cho câu hỏi trên theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, cho rằng ở đây có hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn. Thứ nhất, vì sao không thể lớn. Theo thống kê của thế giới, các DN trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả các DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển.

“Tôi cho rằng có một yếu tố đang trở thành đề tài nóng bỏng là DN gia đình. Hiện rất ít người biết DN gia đình chiến 60-70% các DN. Có nhiều quốc gia chiếm 90%. Riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số các DN tầm 20 năm đến 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những cái họ phải thay đổi’ bà Trần Uyên Phương cho biết.

tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien
TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng các DN tư nhân có vai trò rất lớn trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam

Cũng theo bà Trần Uyên Phương, riêng đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị quá trình thay đổi DN đã phải làm rất nhiều. Đó là một trong những lý do bà viết cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”.

Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: Chúng tôi muốn chia sẻ, chúng tôi muốn học hỏi, để làm sao chúng tôi có thể lớn hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể đem một thương hiệu ra thế giới. Nói thì nghe rất đơn giản nhưng để làm được thì rất khó. Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các DN khác đã tồn tại sẵn rồi. Chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó. Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là người bán hàng hiệu quả nhất.

Đối với Tân Hiệp Phát, trong vòng 5-7 năm vừa qua chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do chúng tôi kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn. Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: năng lực của tổ chưc như thế nào, làm sao để đi lên?

Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng cho Tân Hiệp Phát một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỷ đô thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào. Điều này đã tốn của chúng tôi một thời gian khá dài, từ 2012 đến hiện nay, để chúng tôi có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể vận hành làm sao có thể tăng trưởng và xây dựng con người cho phù hợp với năng lực để có thể phù hợp với sơ đồ tổ chức đó; chứ không phải cứ người trong gia đình là sẽ vào được vị trí đó. Đó là những nỗ lực, cam kết rất lớn của DN. Ngoại trừ việc kinh doanh phải có lời, nhưng sau khi có lời, phải làm gì? Tiếp tục đầu tư hay tiếp tục mở rộng, tiếp tục xây dựng…

tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chia sẻ tại cuộc tọa đàm

Về khía cạnh ko muốn lớn, theo bà Trần Uyên Phương là vì DN sợ lớn. DN nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ bởi đột phá nào cũng có rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng cho rằng, nói về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân, tổng công ty tư nhân, cần phải có các DN đầu đàn. Vì như thế, cộng đồng DN nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương để noi theo, đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước. Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. “Tôi lấy ví dụ câu chuyện của DN Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như nào thì DN phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chia sẻ, nói đến DN tư nhân, người ta thường nói đến quyền tự chủ, quyền tự định đoạt, quyền tự chịu trách nhiệm trước hoạt động kinh doanh của mình bằng tất cả những tài sản mình có. Chính vì vậy, vai trò quan trọng của người chủ DN rất quan trọng, thể hiện sự quyết đoán, nhanh nhạy, hành động phản ứng nhanh trong cơ chế thị trường. Nhờ hành lang pháp lý, nhiều doanh nghiệp đã có thành công nhất định trong thương trường trường như Tân Hiệp Phát, Vin group, TH True milk...Đặc biệt, Tân Hiệp Phát, bên cạnh xây dựng thương hiệu đã có, họ còn cố gắng giữ gìn, phát triển thương hiệu Việt, đó là sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, tôi rất ngưỡng mộ.

tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát phát biểu tại cuộc tọa đàm

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu còn làm rõ nhiều chủ đề để DN tư nhân phát triển, trong đó trả lời câu hỏi, đâu là những điều kiện cần và đủ giúp họ bứt phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Trong đó bà Trần Uyên Phương cho rằng một trong những cái bà tâm đắc đó là làm sao có chính sách cho DN muốn lớn? Tìm ra được DN muốn lớn đã khó, nhưng có chính sách hỗ trợ cho họ như thế nào cũng rất quan trọng. Bởi, xây dựng được một DN có được nội lực, năng lực để cạnh tranh với các DN khác cũng là cả một quá trình.

Bên cạnh chuyện đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ - đó chưa phải là yếu tố đủ- còn có rất nhiều yếu tố làm sao để cạnh tranh lại với những công ty có hàng trăm năm kinh nghiệm trên thị trường? Bởi yếu tố thị trường là yếu tố vô cùng quan trọng. Làm sao khách hàng có thể chấp nhận được món hàng của mình?

Chúng ta vẫn luôn nói về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng làm sao để DN Việt chinh phục người Việt? Hiện nay khái niệm về các sản phẩm nước ngoài tốt hơn các sản phẩm Việt Nam là việc rất hiển nhiên. Một trong những việc Tân Hiệp Phát băn khoăn là khi có một vấn đề gì đó về các sản phẩm Việt Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay rằng cái đó là làm ăn gian dối. Nhưng điều đó xảy ra với một số DN nước ngoài thì chúng ta lại nhìn nhận là có thể có vấn đề gì đó hoặc thông tin không chính xác. Bởi vậy , các DN ngày càng phải nỗ lực để chứng minh sản phẩm Việt là sản phẩm tốt và DN Việt đang làm tốt.

Trân Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này