Đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường

12:13 | 22/11/2018
(LĐTĐ) Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu đạt hiệu quả trong công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội sẽ chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH …
day manh xa hoi hoa bao ve moi truong Hà Nội đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ môi trường
day manh xa hoi hoa bao ve moi truong Gắn phát triển với bảo vệ môi trường

Nhiều kết quả khả thi

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, giảm mức phát thải khí nhà kính.

Đáng chú ý, về công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%. 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tăng diện tích cây xanh đô thị đạt 10 - 12 m2/người theo quy hoạch.

day manh xa hoi hoa bao ve moi truong
Công nhân vệ sinh môi trường nạo vét sông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Luyện Đinh

Ngoài ra, trong 6 tháng năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền 5,1 tỷ đồng. Qua đó, góp phần xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn. Đến nay, đã có 1/3 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Ngoài ra, đối với 43 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động, có 25 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải và 18 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải.

Công tác xã hội hóa cũng được Thành phố chú trọng. Cụ thể, hiện Hà Nội đã giao các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải và quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn theo phương thức xã hội hóa. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, vật liệu xây dựng, thoát nước.

Các hoạt động khác như: Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai… cũng được chú trọng.

Đồng bộ những chính sách

Tại nhiều địa phương, vấn đề môi trường cũng được chú trọng. Huyện Gia Lâm là một ví dụ. Theo tìm hiểu, từ tháng 4/2018 đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã xử phạt hành chính đối với 47 tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Để nâng cao ý thức cho người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, huyện Gia Lâm tiếp tục thực hiện kiểm tra xử phạt tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; ký cam kết bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức thực hiện dọn vệ sinh môi trường toàn huyện vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; khuyến khích xã hội hoá đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường…

Chia sẻ thông tin tại buổi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông cho biết, công tác ứng phó với BĐKH và môi trường vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Chẳng hạn, công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, nhưng việc xử lý chưa dứt điểm.

Một số nơi vẫn xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, xử lý từ đầu. Trên địa bàn một số quận, huyện vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong công tác ngăn chặn, xử lý, còn xảy ra các hoạt động tập kết, kinh doanh, khai thác cát trái phép.

Đặc biệt, hiện nhận thức của nhiều tổ chức, người dân về quản lý tài nguyên nước còn nhiều hạn chế, hoặc cố ý làm trái pháp luật. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc, thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường nhưng chưa được xử lý dứt điểm, còn phát sinh thêm cơ sở mới...

Theo đại diện Sở TN&MT, thời gian tới Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ người dân Thủ đô được tiếp cận nước sạch…

Tiếp tục kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này