Vị trí cao quý trong xã hội

09:54 | 20/11/2018
(LĐTĐ) - Hôm nay 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ta không thể không bàn về nghĩa tình thầy trò, phải không chú?
vi tri cao quy trong xa hoi Kiện ra tòa, chú nhé!
vi tri cao quy trong xa hoi Không còn mong manh…
vi tri cao quy trong xa hoi Đang hướng tới 4.0 cơ mà!

- Em nhất trí với bác. Theo em, coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành. Người thầy luôn được cả xã hội tôn kính, người được nhân dân gửi gắm niềm tin về việc học hành và sự thành đạt của cả một thế hệ tương lai.

- Đúng là như vậy. Nước ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vì thế mà có câu “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư”, nghĩa là “Nửa chữ cũng là thầy, một chữ cũng là thầy”. Người thầy có vai trò quan trọng đối với tất cả các thành viên trong xã hội, không cứ chỉ là lứa học sinh, sinh viên.

- Em xin bổ sung thêm ý kiến của bác. Từ vị trí quan trọng của người thầy, ông cha ta cũng đã đúc rút thành quan niệm và trở thành đạo lý từ ngàn đời nay “Lương Sư hưng Quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học.

-Đó là cái gốc để làm nên sự phát triển bền vững của một đất nước. Đạo lý đó được cha ông ta gửi gắm vào câu ca dao được truyền tụng từ bao đời nay: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

-Tuy nhiên, chữ “yêu” ấy do mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò. Điều đó dẫn đến những vụ việc không mong muốn nơi học đường như: Gia đình học sinh dùng tiền hay những món quà vật chất để mong thầy nương nhẹ, giúp đỡ con em mình. Thầy trách phạt học trò một cách phản giáo dục dẫn đến việc hình thành những mâu thuẫn không nhỏ giữa phụ huynh với giáo viên, với nhà trường. Cũng có thầy cô vì đồng tiền, vì thu nhập mà tổ chức dạy thêm trái quy định…

-Đành rằng là thế, tớ vẫn muốn “ôn cổ” một tý để ta “tri tân”. Thời tớ còn đi học, tình nghĩa thầy trò nó thiêng liêng lắm. Cha tớ là một thầy giáo chuẩn mực, nên ngay từ nhỏ tớ đã được chứng kiến tình cảm của những học trò của ông đối với thầy giáo, mỗi khi đến nhà thầy chơi, học trò đều lễ phép xưng “con” y như tình cảm cha con vậy. Mỗi kỳ 20/11 là cả nhà lại vui hơn tết, đầy ắp những tiếng cười của học trò.

-Chả cứ thời bác, thời em đi học cũng vậy. Người thầy luôn coi trò là con, trong cách xưng hô, trò luôn xưng con khi nói, thưa gửi với thầy. Vì thế, với bổn phận là học trò, những người học trò ngày ấy luôn học theo câu nói của cổ nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

-“Ôn cổ” một chút để thấy bây giờ, cái tình cảm thầy – trò có phần khác xưa lắm. Có đôi lúc, đôi nơi dư luận phải than rằng: “Thầy không ra thầy, trò chả ra trò”, nghĩa là người thầy đã thiếu đi cái chuẩn mực của người thầy, không phải lúc nào cũng “Tất cả vì học sinh thân yêu”; trò thì không còn kính trọng, yêu quý thầy theo đúng nghĩa cao quý của nó.

-Đúng là như vậy. Chả thế mà mới có chuyện nơi này, nơi kia trò đánh thầy, rồi thầy đánh trò; thậm chí có cả hiện tượng mua điểm bằng cả vật chất và “tình cảm”. Những vụ việc như thế không còn là hãn hữu. Thế mới thật buồn.

-Chính vì thế mà vừa rồi, cái dự thảo xử phạt trong lĩnh vực giáo dục do ngành Giáo dục soạn thảo mới dành nhiều điều khoản để điều chỉnh mối quan hệ này. Đó là quy định xử phạt tiền gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây, đối với hành vi: Thầy xúc phạm trò; trò xúc phạm thầy …Rõ ràng, nếu so với “ngày xưa” làm gì có những hiện tượng này để phải đưa vào quy định xử phạt.

-Mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Đồng thời, sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao.

Người thầy “đạo cao đức trọng” là người luôn giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc gia đình học trò phải cung phụng hay biếu xén bất cứ thứ gì, thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của thầy.

-Chú nói đến triết lý giáo dục, tớ xin mở ngoặc một chút. Mấy ngày vửa rồi, ngành Giáo dục đang trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, rất nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật đang bị nhẹ tính triết lý giáo dục, mà nặng tinh hàn lâm. Phải chăng trước một nền giáo dục đang đang có những hiện tượng “thiếu giáo dục”, mà then chốt của vấn đề này chính là quan hệ thầy – trò đang có nhiều biểu hiện tiêu cực, Luật cần hướng tới để điều chỉnh.

-Rõ ràng là vậy, song nói gì thì nói, dù thế nào đi chăng nữa, dù thời nay hay thời xưa thì đối với người thầy phải luôn giữ đúng đạo làm thầy để trở thành những người thầy mẫu mực, được học trò và nhân dân kính trọng. Còn học trò phải luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

-Đào tạo những thế hệ về sau là nhiệm vụ của những người làm nghề giáo. Coi trọng sự học đối với dân ta là coi trọng sự phát triển bền vững của đất nước sau này.Một đất nước muốn mạnh mẽ thì phải cần cả một thế hệ mạnh mẽ và thế hê đó được đào tạo từ những người làm nghề dạy học.

-Muốn vậy thì thầy có đạo làm thầy, trò có đạo làm trò. Mỗi người đều có bổn phận để thực hiện nghĩa vụ, vị trí của mình. Người thầy giáo trong bất kỳ giai đoạn nào, xã hội nào đều có một vị trí cao quý trong xã hội.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này