Buôn người, tội ác tột cùng: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế (Kỳ 5)

10:33 | 09/11/2018
(LĐTĐ) Trong những năm qua, các lực lượng chức năng Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến biên giới.
buon nguoi toi ac tot cung day manh hop tac quoc te ky 5 Buôn người, tội ác tột cùng: Cần sửa... những bất cập (Kỳ 4)
buon nguoi toi ac tot cung day manh hop tac quoc te ky 5 Buôn người, tội ác tột cùng: Chung tay hỗ trợ nạn nhân (Kỳ 3)

Ngày 27/4/2016, Bộ Công an ban hành Quyết định số 1543/BCA phê duyệt đề án 5 “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 -2020 với những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể. Về hợp tác đa phương, hàng năm, Ban công tác liên ngành COMMIT Việt Nam tổ chức sơ kết các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê – Kông về phòng, chống mua bán người và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện năm tới gắn với việc thực hiện Chương trình 130/CP; tham gia các diễn đàn, hội nghị, các cuộc họp thường niên cấp vùng.

Đồng thời, Bộ Công an cũng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đàm phán, ký kết Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người (21/11/2015), trình Chủ tịch nước ký Quyết định phê chuẩn Công ước có hiệu lực từ ngày 8/3/2017; xây dựng lộ trình đang báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định khả năng Việt Nam gia nhập Nghị định thư về chống người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

buon nguoi toi ac tot cung day manh hop tac quoc te ky 5

Hội thảo “Chiến lược phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em: Tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng đồng” tổ chức tại Hà Nội. (Ảnh: VOV)

Về hợp tác song phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc về phòng, chống mua bán người. Trong tâm là tổng kết 5 năm (2011 – 2015) thực hiện Hiệp định Việt Nam – Trung Quốc và thông qua kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020; ban hành quyết định kiện toàn Nhóm công tác liên ngành thực hiện Hiệp định; sơ kết thục hiện Hiệp định với Thái Lan về phòng ngừa chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2013 – 2020; tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Hiệp định Việt Nam – Campuchia về phòng, chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân và thống nhất kế hoạch thực hiện Hiệp định giai đoạn 2017 – 2020; duy trì họp thường niên với cơ quan chức năng các nước trong việc thực hiện Hiệp định; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người.

Bênh cạnh đó, Bộ Công an và Bộ Nhập cư – bảo vệ biên giới Úc đã tổ chức ký kết, triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác về ngăn chặn nạn đưa người di cư trái phép; nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản, kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập, trao đổi với cơ quan chức năng của Vương quốc Anh. Ngày 16/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép tổ chức đàm bán bản ghi nhớ giữa 2 nước về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Trong hai năm qua, các Bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đã tham dự trên 120 hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế song phương và đa phương về phòng chống mua bán người; tổ chức tiếp và làm việc với cơ quan chức năng các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Di cư quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Văn phòng UN – ACT, Tổ chức Tầm nhìn thế giới… triển khai các dự án hỗ trợ về đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nạn nhân, đấu tranh trấn áp tội phạm, xây dựng chính sách pháp luật…

Tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) phối hợp với Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN của Việt Nam, Chương trình ASEAN-U.S. PROGRESS, Chính phủ Australia và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hội thảo khu vực về Chiến lược phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em: Tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng đồng. Tham dự Hội thảo có đại diện các nước ASEAN tại AICHR, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, các cơ quan liên quan của Chính phủ các nước ASEAN, một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc và một số tổ chức nhân dân phi chính phủ có quy chế tham vấn với AICHR.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hệ thống pháp luật và chính sách khu vực trong phòng chống mua bán người, cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong xây dựng và triển khai các chiến lược phòng chống mua bán người, các thách thức và phương hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực trong việc tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng đồng trong phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách và biện pháp về phòng chống mua bán người, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực và huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy các nỗ lực này. Các đại biểu cho rằng chiến lược phòng chống mua bán người có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề khác về mua bán người, cần cách tiếp cận liên ngành và nỗ lực chung không chỉ của các Chính phủ, các cơ quan chuyên môn, mà còn của các bên liên quan trong khu vực và thế giới, các tổ chức và các cá nhân trong xã hội.

Do đó, ASEAN hoan nghênh và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình tham vấn và triển khai chính sách liên quan đến phòng chống mua bán người, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

Hội thảo đã đưa ra một số khuyến nghị về nâng cao hiệu quả của các chiến lược phòng chống mua bán người và nhấn mạnh các cam kết quốc tế và khu vực như Công ước ASEAN về phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Kế hoạch hành động ASEAN về thực thi ACTIP (APA), Kế hoạch hành động Bohol về phòng chống mua bán người (2017-2020), Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống mua bán người (UNTOC), Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc (2005)… là những văn kiện nền tảng và công cụ cần thiết để tăng cường hợp tác trong phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

H.Duy

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này