Xin đừng vẽ bậy lên di tích

08:34 | 09/11/2018
(LĐTĐ) Từ lâu, tình trạng khách du lịch, khách thăm quan,... vẽ bậy lên di tích lịch sử đã không còn xa lạ, thậm chí vẫn thường xuyên xảy ra như một "thói quen". 
thoi quen ve bay len di tich Bắc Giang: Sắp tổ chức hội nghị quảng bá hơn 2000 di tích, danh thắng
thoi quen ve bay len di tich Chùa Hương đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Theo ghi nhận của PV báo Lao động Thủ đô tại một số di tích mở cửa miễn phí như Tháp Hòa Phong, Tháp Bút ở Hồ Gươm, Cột cờ Hà Nội... tình trạng viết, khắc lên tường phải là hiếm.

thoi quen ve bay len di tich
Xung quanh chân Cột cờ Hà Nội là một hình ảnh rất phản cảm với chi chít “dấu vết” của du khách để lại bằng đủ loại hình thức khác nhau

Đơn cử như cột cờ Hà Nội (nằm trên đường Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) là di tích lịch sử đặc biệt của Thủ đô, biểu tượng vinh quang, niềm tự hào của dân tộc với lá cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh đã hơn nửa thế kỷ, thế nhưng nhìn xuống xung quanh chân cột cờ lại là một hình ảnh rất phản cảm với chi chít “dấu vết” của du khách để lại bằng đủ loại hình thức khác nhau từ bút xóa cho đến khắc trực tiếp lên tường bằng vật nhọn rất khó xóa.

Cá biệt, có những dòng chữ được khắc lên rất cao, với chiều cao của người bình thường khó có thể tới cho thấy nhiều du khách không chỉ tình cờ mà cố ý xâm hại đến di tích lịch sử này.

thoi quen ve bay len di tich
Nét chữ còn rất mới được khắc trên tường của Cột cờ Hà Nội

Tương tự như Cột cờ Hà Nội, tháp Hòa Phong nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm cũng chịu tình cảnh tương tự. Các dòng chữ khác chen lấn bên trong lòng tháp gây ấn tượng xấu đối với khách du lịch.

Anh Ngọc Hùng (khách du lịch từ Nghệ An) cho biết: “Tôi rất thích vẻ đẹp cổ kính và thanh bình ở khu vực Hồ Gươm, nhiều di tích còn lưu giữ mang giá trị lịch sử rất lớn. Thế nhưng ở một số chỗ tôi lại bắt gặp vài dòng chữ của các bạn trẻ thể hiện sự xuất hiện hay bày tỏ tình yêu rất khó coi. Có nhiều cách để lưu giữ kỉ niệm chứ không phải là vẽ bậy lên tường, tình trạng này sẽ khiến khách du lịch như tôi sẽ có ấn tượng không tốt với các địa danh.”

Trước thực trạng trên, mặc cho ban quản lý các di tích có vất vả xóa thế nào đi chăng nữa thì một thời gian sau lại đâu lại vào đó. Không những giải quyết “hậu quả”, các đơn vị trông coi đã tuyên truyền nhắc nhở cho khách tham quan về quy định nghiêm cấm các hành vi viết, vẽ bậy lên di tích, tuy nhiên tình trạng trên vẫn không suy giảm.

thoi quen ve bay len di tich
Những "dấu tích" không thể xóa ở Tháp Hòa Phong

Việc vẽ lên những dấu tích này là hoàn toàn vi phạm, gây phản cảm cho du khách lui tới tham quan, thưởng lãm và đã có quy định xử phạt. Cụ thể, đối với những hành vi cố tình xâm phạm di tích lịch sử, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.

Cùng với nghị định, cuối tháng 3/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên - không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có quy tắc không phá hoại cảnh quan, môi trường khi đi du lịch. Tuy nhiên để cải thiện tình hình trên một cách triệt để, trước hết mỗi người dân phải có ý thức gìn giữ nét đẹp, bảo vệ các nét đẹp truyền thống văn hóa để giữ gìn hình ảnh nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách nước ngoài cũng như nội địa

Bài và ảnh: P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này