Buôn người, tội ác tột cùng: Những cạm bẫy (Kỳ 1)

21:58 | 01/11/2018
(LĐTĐ) Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138/CP (Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ), tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Riêng khu vực các tiểu vùng sông Mê – Kông (trong đó có Việt Nam) luôn được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm
buon nguoi toi ac tot cung nhung cam bay ky 1 Việt Nam và Campuchia phối hợp tốt trong phòng chống buôn người
buon nguoi toi ac tot cung nhung cam bay ky 1 Kịp thời ngăn chặn tội phạm buôn người

Tội phạm mua bán người đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng phạm pháp với nhiều thủ đoạn, mánh khóe hết sức tinh vi luôn khiến các lực lượng chức năng phải nỗ lực hết mình trong cuộc “đấu trí” đầy cam go, thử thách.

Theo Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, thủ đoạn phổ biến của tội phạm buôn người vẫn là việc các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua internet, điện thoại) để kết bạn, làm quen với các cô gái rồi giả vờ yêu đương hoặc hứa hẹn sẽ đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao. Sau đó các đối tượng lừa đưa nạn nhân ra nước ngoài bán vào động mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

buon nguoi toi ac tot cung nhung cam bay ky 1
Một đối tượng buôn người được lực lượng chức năng Trung Quốc dẫn dải về Việt Nam. Ảnh: Dantri

Một số đối tượng là nạn nhân trong các vụ mua bán người trước đây, sau một thời gian sinh sống ở nước ngoài có quan hệ và biết tiếng đã trở về địa phương lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp… sang nước ngoài làm việc có thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài. Để tạo niềm tin, các đối tượng chủ động lo các khoản chi phí, thủ tục đi nước ngoài cho nạn nhân. Sau khi xuất cảnh, nạn nhân bị ép bán dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Các đối tượng phạm pháp cũng thường tiếp cận với những cô gái mới lớn, thích ăn chơi, đua đòi, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để lừa gạt đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao tại nước ngoài hoặc môi giới kết hôn lấy chồng nước ngoài. Sau khi nạn nhân xuất cảnh thì bị ép buộc bán dâm hoặc bán cho đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Khi nạn nhân phát hiện bị lừa bán và yêu cầu được về nước, các đối tượng bắt nạn nhân và gia đình phải trả các khoản chi phí lớn hoặc phải sinh con thì mới được về nước.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 109 vụ với 126 đối tượng, lừa bán 236 nạn nhân. Các địa phương phát hiện nhiều vụ mua bán người là Nghệ An, Lào Cai, Thanh Hóa, Điện Biên, Tây Ninh…

Tại một số tỉnh phía Nam, tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài thông qua hình thức môi giới hôn nhân bất hợp pháp diễn ra phổ biến. Các đối tượng môi giới thường tổ chức xem mặt cô dâu, tổ chức cưới nhưng không làm thủ tục kết hôn. Đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp và có nguy cơ làm gia tăng tội phạm mua bán người.

Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, trong thời gian qua xuất hiện vụ việc cưỡng bức lao động xảy ra trên tàu cá. Các đối tượng phạm tội có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tìm chủ tàu có nhu cầu tuyển dụng lao động, đồng thời tìm người lao động (nạn nhân chủ yếu là những người ở quê lên thành phố tìm việc). Chúng dụ dỗ, hứa hẹn người lao động đưa đi làm biển với thu nhập cao sau đó giao nạn nhân cho trưởng tàu và nhận tiền từ chủ tàu (thực chất tiền này là tiền công của nạn nhân). Sau khi tiếp nhận nạn nhân, trưởng tàu bắt họ đi đánh cá mà không trả tiền công (vụ việc xảy ra ở Đà Năng, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Các đối tượng phạm tội còn lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ hiểu biết hạn chế của nạn nhân, đặt vấn đề với một số phụ nữ mang thai đẻ rơi trẻ sơ sinh sau đó chúng cấu kết với các Trung tâm y tế làm giả hồ sơ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cho người nước ngoài nhận làm con nuôi.

Theo các cơ quan chức năng, tình trạn mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao. Nhiều em gái ở các tỉnh được đưa về thành phố bán cho các nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động… hoặc lừa bán sang Trung Quốc.

Các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với đối tượng cò mồi, môi giới, tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, bán nạn nhân để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Đã xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả, dùng tiền là mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài sau đó bán để cưỡng bức lao động.

H.Duy

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này