Truyền thông với những chính sách an sinh xã hội:

Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số

21:46 | 01/11/2018
(LĐTĐ) Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, xu hướng truyền thông đa phương tiện và hội tụ đã và đang tác động trực tiếp đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông về nhiều lĩnh vực, trong đó có BHXH, BHYT. Làm sao, để trong kỷ nguyên số 4.0, truyền thông sẽ làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa các chính sách an sinh xã hội tới người dân đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
co hoi va thach thuc trong ky nguyen so Nhiều tác động với lao động nữ trong kỷ nguyên số
co hoi va thach thuc trong ky nguyen so Năng lực tiếng Anh yếu: Rào cản lớn nhất trong thời kỷ nguyên số

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo hiểm

Đây là những thông tin được ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, được tổ chức tại Hà Nội sáng 31/10.

co hoi va thach thuc trong ky nguyen so
Toàn cảnh diễn ra hội thảo.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết: BHXH luôn là đề tài phong phú, đa dạng để báo chí sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Chính bởi vậy, cần nâng cao công tác định hướng, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả truyền thông về các vấn đề xã hội nói chung và truyền thông về BHXH, BHYT nói riêng trên báo chí.

Theo ông Đào Việt Ánh, trong thời kỳ CMCN 4.0, BHXH Việt Nam xác định chiến lược trọng tâm tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ này và giảm số thời gian phải thực hiện các thủ tục, giao dịch của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những chủ trương mới tại Nghị quyết 28 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH là một bước tiến dài, đưa chính sách BHXH của Việt Nam tiếp cận đến các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về an sinh xã hội.

“BHXH Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông, đưa Nghị quyết và những chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống. Trong đó, chú trọng việc đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền, các thông điệp truyền thông bám sát những nội dung chủ đạo của Nghị quyết, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết đã đề ra”, ông Ánh chia sẻ.

Cầu nối chính sách an sinh xã hội với người dân

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản, nhằm nâng cao chất lượng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội; khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0.

Nhà báo Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng, Cục báo chí Bộ thông tin và truyền thông cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 119,7 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó 84% sử dụng điện thoại thông minh và đứng đầu khu vực Đông Nam á.

Internet đã phát triển ở cả thành thị và nông thôn, có tới gần 64 triệu người đang sử dụng internet để chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong đó có cả những thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Và để truyền thông hiệu quả về BHXH, BHYT, thì vai trò của truyền thông, báo chí rất quan trọng.

“Hiện nay, cả nước có 872 cơ quan báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình và 1500 trang tin điện tử. Và theo thống kê từ ngày 1/1/2018 đến nay đã có khoảng 1.317 tin, bài phản ánh thông tin liên quan đến BHXH, 886 tin, bài BHYT và mạng xã hội khoảng 13.286 thông tin” -ông Lợi cho biết.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng, Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên báo chí còn tồn tại một số điển hạn chế như: Các tin, bài tuyên truyền chủ yếu ở dưới dạng phản ánh thông tin, chưa nếu rõ được ý nghĩa, tác dụng của BHXH, BHYT nhất là đối với những người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa…Một số cơ quan báo chí chủ yếu đưa lại tin, bài của cơ quan khác, không có phóng viên chuyên sâu.

Bởi vậy, để nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng trong bối cảnh CMCN 4.0, các nhà quản lý cần quan tâm tới một số giải pháp, trong đó trọng tâm là làm tốt công tác tuyên truyền. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người có công, đồng bào dân tốc vùng sâu, vùng xa.

“Trong kỷ nguyên số hiện nay, mạng xã hội là một phần thiết yếu cho các chiến dịch truyền thông. Do đó, cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, văn hóa của những người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông chính thống, góp phần hạn chế những tin xấu phát tán trên mạng xã hội”, ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này