Huyện Thanh Oai: 86,1% lao động có việc làm sau khi được dạy nghề

10:23 | 31/10/2018
Chiều 30/10, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thành phố, UBND huyện Thanh Oai cho biết: Trong số 978 lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề theo Quyết số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT trong năm 2017, có 842 LĐ đã làm công việc theo các nghề đã học, đạt 86,1%.
Lan tỏa những nét đẹp văn hóa công sở
LĐLĐ huyện Thanh Oai: Bàn giao mái ấm công đoàn năm 2018
Huyện Thanh Oai: Diện mạo mới từ chuyển dịch kinh tế

Chiều 30/10, Đoàn khảo sát thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của TP Hà Nội do bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn đã tới làm việc với UBND huyện Thanh Oai về việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện Thanh Oai: 86,1% lao động có việc làm sau khi được dạy nghề
Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo về công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Năm 2018, huyện có kế hoạch tổ chức đào tạo dạy nghề cho 1.000 - 1.200 LĐNT thuộc nhóm đối tượng 1 (đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công, bị thu hồi đất canh tác, hộ nghèo, người tàn tật), nhóm đối tượng 2 (LĐ thuộc hộ cận nghèo) và nhóm đối tượng 3 (LĐ nông thôn khác) theo các nghề đào tạo như: May công nghiệp, sản xuất hàng mây - tre - giang đan, kỹ thuật chăn nuôi lợn, chăn nuôi thú y, trồng rau hữu cơ, rau an toàn, kỹ thuật trồng hoa, trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng và chế biến nấm ăn - nấm dược liệu... Về mục tiêu, huyện phấn đấu trên 80% tổng số LĐNT sau học nghề được tạo việc làm, nâng cao hiệu quả lao động và có việc làm mới sau khi học nghề.

Huyện Thanh Oai: 86,1% lao động có việc làm sau khi được dạy nghề
Ông Nguyễn Huy Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Năm 2017, tỷ lệ LĐNT trên địa bàn huyện có việc làm sau khi được dạy nghề là 86,1%

Theo đó, đến nay, các ban, ngành của huyện đã phối hợp với các đơn vị mở 26 lớp dạy nghề cho LĐNT, trong đó: 20 lớp nghề nông nghiệp với 695 LĐ tham gia; 6 lớp nghề phi nông nghiệp với 210 LĐ tham gia. Hiện nay, đã có 12 lớp nghề nông nghiệp đã kết thúc chương trình đào tạo, còn 8 lớp nghề nông nghiệp và 6 lớp nghề phi nông nghiệp vẫn đang trong quá trình đào tạo.

Thông tin thêm về hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Huy Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Trong năm 2017, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thanh Oai đã tổ chức đào tạo được 8 nghề ngắn hạn cho 978 LĐ tham gia thuộc các nhóm đối tượng 1, 2, 3; trong đó nghề phi nông nghiệp là 3 lớp, nghề nông nghiệp là 5 lớp.

Huyện Thanh Oai: 86,1% lao động có việc làm sau khi được dạy nghề
LĐNT tại thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương thực hành làm đất, trồng rau an toàn

Kết quả, có 842 LĐNT đã làm công việc theo các nghề đã học, đạt tỷ lệ 86,1% LĐ có việc làm sau khi được dạy nghề; trong đó: 151 người được các cơ sở sử dụng lao động tuyển dụng, 11 LĐ được bao tiêu sản phẩm, và 680 LĐ tự tạo việc làm.

Để tìm hiểu thực tiễn công tác đào tạo và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của học viên đã và đang theo các khóa đào tạo nghề, đoàn khảo sát đã tới các xã Cao Dương, Thanh Mai, Trầm Lộng, Lưu Hoàng… để thăm các lớp đang đào tạo nghề nông nghiệp như: Trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, học nghề máy may công nghiệp… đồng thời khảo sát hiệu quả một số mô hình kinh tế và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện.

Huyện Thanh Oai: 86,1% lao động có việc làm sau khi được dạy nghề
Ông Lã Văn Thi (Đội 15, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) bên vườn bười vừa cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế hơn 10 triệu đồng

Ông Lã Văn Thi (Đội 15, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) hứng khởi cho biết: Sau khóa học về trồng cây ăn quả, ông đã tự tin ứng dụng nhiều kiến thức và kỹ thuật được học vào thực tiễn như: Cắt tỉa cảnh, chiết cành, ủ phân bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... một cách khoa học. "Từ trước đến nay, tôi làm theo thói quen là chính, nay được học mới "vỡ" ra nhiều điều, biết thêm nhiều kiến thức để tăng năng suất cho vườn bưởi nhà mình. Vừa rồi, tôi mới thu hoạch vườn bưởi, cho giá trị kinh tế hơn 10 triệu đồng và hy vọng tới đây, áp dụng thêm những kiến thức từ khóa học, năng suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa", ông Thi chia sẻ.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này