Vi phạm bản quyền: Mãi hoài lý do “chưa hiểu luật”

15:37 | 16/10/2018
(LĐTĐ) Đối với nền công nghiệp ghi âm nước ngoài, bản quyền, tác quyền là vấn đề được luật pháp bảo vệ rất nghiêm ngặt. Riêng ở Việt Nam, nhiều vụ vi phạm bản quyền, thậm chí bản quyền ca khúc độc quyền ngang nhiên diễn ra.
vi pham ban quyen mai hoai ly do chua hieu luat [Infographics] Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam
vi pham ban quyen mai hoai ly do chua hieu luat Vấn nạn vi phạm bản quyền: Luật có... đừng kêu khó thực thi!

Mới đây, sự việc nhạc sĩ Zack Hemsey, sinh năm 1983, là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà soạn nhạc người Mỹ đã kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh đòi bồi thường và xin lỗi về việc sử dụng một đoạn nhạc của anh trong MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” khiến cho một số bộ phận nghệ sĩ Việt Nam thích “dùng chùa” các tác phẩm âm nhạc của người khác phải suy nghĩ lại.

Trước giờ thói quen dùng tác phẩm của người khác miễn phí, hoặc khi bị phát hiện xin lỗi cho qua của nhiều nghệ sỹ Việt khá phổ biến. Tuy nhiên theo đại diện của Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam, sau hơn 10 năm thành lập, Trung tâm vẫn chưa có “cơ hội” được giải quyết vụ việc nào theo đúng luật pháp. Nhưng đấy là ở Việt Nam và việc “dùng chùa” giữa các nghệ sỹ Việt. Còn đối với những nghệ sỹ nước ngoài thì điều này có vẻ ít khả thi hơn.

vi pham ban quyen mai hoai ly do chua hieu luat
Nhạc sỹ Zack Hemsey (từng soạn nhạc cho phim bom tấn Rô-bốt đại chiến) và bìa MV của ca sỹ Noo Phước Thịnh.

Cuối năm ngoái, do “không hiểu rõ luật từ Youtube”, nhà sản xuất MV của ca sĩ Bảo Anh đã sử dụng hai đoạn hòa âm của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent sinh năm 1983, người Tây Ban Nha mà không xin phép đơn vị giữ bản quyền. Sau khi MV phát hành, êkip Bảo Anh được phía Công ty Epic Elite - đại diện của Ivan Torrent thông báo về sai phạm và số tiền phạt cộng với tiền mua tác quyền lên đến 10.000 Euro (khoảng 270 triệu đồng). MV còn có khả năng bị gỡ bỏ khỏi kênh Youtube.

Khi nhận được thư từ đại diện của Ivan Torrent, êkíp Bảo Anh đã gửi thư xin lỗi tác giả và nhận trách nhiệm về sai sót. Ca sĩ sửa sai bằng cách dẫn nguồn tên nhà soạn nhạc ở phần chú thích bên dưới MV. Sau đó, Ivan Torrent và công ty đi đến quyết định chỉ lấy tiền bản quyền của hai ca khúc trên với giá gần 100 triệu đồng. Đó chỉ là một cái “án phạt” nhẹ và khá may mắn cho Bảo Anh khi phía Ivan Torrent chấp nhận thỏa thuận mà không đâm đơn kiện.

Còn đối với Noo Phước Thịnh, có vẻ việc “dùng chùa” lại không may mắn như vậy. Trong đơn kiện, nhạc sĩ Zack Hemsey chỉ rõ “Từ phút 6:05 đến 7:30 của MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã cắt xén, sử dụng tác phẩm “The Way” đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Zack Hemsey để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên mà hoàn toàn không có sự cho phép của nhạc sỹ.

Điều đáng nói là MV này nhanh chóng đạt mức 30 triệu lượt xem, nghe trên YouTube. Nhạc sĩ Zack Hemsey yêu cầu Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV có sử dụng tác phẩm/ bản ghi âm “The Way” khỏi tất cả phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận; bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng, bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng, thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng; công khai xin lỗi trên báo về các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Giải thích về việc “dùng chùa” này, vẫn lại là một lý do “không hiểu rõ luật” giống như ca sỹ Bảo Anh, Noo Phước Thịnh giải thích, “lý do cụ thể ở đây là nằm ở phía ê kíp sản xuất MV vì không hiểu rõ về luật nên đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV khi chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền”.

Phải chăng trước khi làm nghệ thuật, các nghệ sỹ của chúng ta phải được học và cấp chứng chỉ về luật bản quyền tác giả, tác phẩm trong nước và quốc tế?

Đây chỉ là một trong vài trường hợp gần đây mà nhiều ca sĩ trong nước bị chính những nhạc sĩ nước ngoài lên tiếng về việc vi phạm bản quyền, điều mà lâu nay không ít những ca sĩ, nhạc sĩ trong nước còn mơ hồ và sử dụng, vay mượn tuỳ tiện. Sẽ vẫn còn nhiều những tác phẩm “đạo, nhái, dùng chùa” nữa chưa được phát hiện. Nhưng với thời đại công nghệ số hiện nay thì cơ hội “dùng chùa” cho một số nghệ sỹ Việt ngày càng ít đi và muôn phần mạo hiểm.

Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định quá rõ ràng, sử dụng tác phẩm của người khác bắt buộc phải xin phép, nếu không thì vi phạm pháp luật. Đặc biệt, nếu là vi phạm với tác giả nước ngoài thì lý do “không hiểu luật” cũng chẳng thể giải quyết được gì, bởi “Tây không như ta”. Không thể lấy lý do không hiểu luật để biện minh cho hành vi của mình, đó là biểu hiện của cách làm thiếu chuyên nghiệp không thể chấp nhận được.

Phải chăng, những sự việc vừa qua cũng là bài học chung cho giới ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam. Không ai khác, chính bản thân người nghệ sĩ phải có trách nhiệm về tôn trọng bản quyền, nhất là với ca khúc độc quyền. Đó là biểu hiện đầu tiên của tính chuyên nghiệp trong lao động nghệ thuật.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này