Cấm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông:

Vì sao có quy định mà không thể thực hiện?

17:36 | 11/10/2018
(LĐTĐ) Trên nhiều tuyến giao thông của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa điều khiển xe vừa dùng điện thoại.
vi sao co quy dinh ma khong the thuc hien Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng tham gia giao thông trong trường học
vi sao co quy dinh ma khong the thuc hien Thói quen xấu khi tham gia giao thông trong ngày mưa

Đáng nói, dù vi phạm luật giao thông và có chế tài xử lý cụ thể nhưng dường như có nhiều người xem và chấp nhận đó là điều bình thường. Việc các cơ quan chức năng liên quan sớm “mạnh tay” chấn chỉnh và xử lý những vi phạm trên là hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hình thành nên văn hóa giao thông.

Thói quen “chết người”

Từ lâu, sử dụng điện thoại được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông lại tiềm ẩn nhiều thảm họa. Hoạt động này không chỉ gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân còn gây nguy hiểm những người xung quanh.

Theo khảo sát thực tế trên các trục giao thông chính như: đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai); phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)… dễ dàng chứng kiến cảnh những “xe ôm công nghệ” một tay điều khiển phương tiện, tay còn lại và ánh mắt thì chăm chú vào chiếc điện thoại di động để “vợt” khách.

Không ít người cũng “tận dụng” thời gian tham gia giao thông để… gọi điện thoại, trao đổi thông tin. Nhiều người thậm chí vì mải “dán mắt” vào điện thoại đọc tin nhắn nên không thể quan sát được phương tiện trước mặt, sau lưng, bên cạnh đang lưu thông. Họ qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ “quên” dừng lại… gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông.

vi sao co quy dinh ma khong the thuc hien
Nhiều “xe ôm công nghệ” tranh thủ “vợt khách” bằng điện thoại khi đang điều khiển xe. Ảnh: Luyện Đinh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi điều khiển phương tiện, việc bị “mất” một tay do đang cầm điện thoại kết hợp với mất tập trung khi lái xe là nguyên nhân chính khiến người tham gia giao thông không thể phản ứng kịp khi gặp tình huống bất ngờ.

“Đối với xe máy, lái xe một tay sẽ không thể chắc chắn và an toàn bằng hai tay. Hơn nữa, tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Nếu giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước đột ngột và xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi” – anh Nguyễn Văn Nam – chủ cơ sở sửa chữa xe ở Hà Trì (Hà Đông) chia sẻ.

Theo tìm hiểu, chưa có một thống kê đầy đủ nào về số vụ tai nạn giao thông liên quan tới việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Song nhiều nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, tai nạn sẽ xảy ra cao gấp 4 lần ở nhóm người thường xuyên sử dụng điện thoại so với người tập trung điều khiển phương tiện.

Sử dụng điện thoại di động không chỉ làm lái xe mất tập trung, giảm khả năng phản ứng, xử lý trong việc giảm tốc độ, thắng xe, hay đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn với các xe xung quanh, chấp hành đèn tín hiệu…

Các bài kiểm tra độ tập trung của não và khoảng thời gian để não có thể hoàn toàn chú ý trở lại cũng cho thấy lái xe sử dụng điện thoại có phản ứng chậm hơn 30% so với tài xế có uống rượu bia. Chưa kể, nội dung cuộc trao đổi ấy còn làm giảm mức độ tập trung của lái xe đến 10 phút sau đó.

Theo quy định hiện hành, người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng; người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Thế nhưng trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến, kể cả lái xe ô tô.

Thực tế, tại Hà Nội khoảng năm 2016, nhiều người phát cuồng với trò chơi bắt Pokemon. Bất kể cả người chơi đi xe máy, ô tô hay thậm chí vừa lái xe vừa ôm con nhỏ cũng dừng đỗ, sử dụng điện thoại tràn lan trên đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, số vụ tai nạn giao thông vì “bắt Pokemon” tăng vọt.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh pháp lý, theo ông Phan Tiến Duy - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn luật DLS Việt Nam, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông và những vi phạm trên đã có những văn bản, chế tài hướng dẫn xử lý cụ thể.

Chẳng hạn, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng; phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi sử dụng ô (dù), điện thoại di động, các thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Theo tìm hiểu, tuy mức độ xử phạt các đối tượng này đã được quy định cụ thể nhưng thực tế hiện nay việc xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, về phía lực lượng chức năng rất khó phát hiện sai phạm, nhất là đối với những người điều khiển xe ô tô bởi tầm quan sát hạn chế. Đối với xe gắn máy, người điều khiển có nhiều biện pháp trốn, tránh lực lượng chức năng như, cài điện thoại trong mũ bảo hiểm, nhanh chóng cất điện thoại khi đi qua chốt kiểm tra...

Bày tỏ quan điểm cá nhân, nhà văn Nguyễn Văn Học – người giành giải Nhì cuộc thi cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức, việc sử dụng điện thoại trên đường không chỉ là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, thậm chí gián tiếp tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Tuy nhiên, nếu chỉ “cứng nhắc”, áp dụng luật vào xử lý vi phạm thì chưa đủ, cần tăng cường công tác tuyên truyền để từ đó nâng cao ý thức người dân.

Thiết nghĩ, để góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, duy trì và đảm bảo trật tự giao thông trên địa bàn, các lực lượng chức năng cần có giải pháp trọng tâm cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng hành vi ứng xử và thái độ tôn trọng bản thân của chính những người tham gia giao thông, trong đó có việc sử dụng điện thoại di động đúng cách để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ủy ban ATGT quốc gia vừa có Công văn số 369/UBATGTQG đề nghị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông. Theo đó, hiện tình trạng lái xe công nghệ vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động để liên hệ với khách, tìm địa chỉ… diễn ra rất phổ biến.

Đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT, uy hiếp an toàn của người và phương tiện lưu thông trên đường. Để khắc phục và chấn chỉnh tình trạng trên, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Ban ATGT thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đặc biệt là đối với các lái xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với khách hàng.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này